Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng: Tư vấn giám sát

Thứ sáu, 21/09/2018, 14:32 GMT+7
Mới đây, Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, quy mô gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư) lại có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình tài chính của dự án.

Mới đây, Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, quy mô gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư) lại có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình tài chính của dự án.


(Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Báo cáo của Liên danh tư vấn tiếp tục đưa ra nhiều nhận định khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Sự việc trên xảy ra khi vụ sử dụng thép Trung Quốc tại một số cống kiểm soát triều cường thuộc dự án chưa tạm lắng và chưa có hồi kết.

Chủ đầu tư không trình nộp hồ sơ đầy đủ

Theo báo cáo nói trên của Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng, mặc dù Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tư vấn giám sát hợp đồng nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 (thuộc Trung Nam Group) trình nộp các hồ sơ về huy động vốn, giải ngân vốn và hồ sơ tài chính để Ủy ban Nhân dân thành phố có cơ sở giám sát việc thực hiện hợp đồng nhưng đến nay các hồ sơ vẫn chưa được cung cấp đầy đủ.

Vào ngày 20/8 vừa qua, trong cuộc họp với Ủy ban Nhân dân thành phố, phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 khẳng định không cung cấp được các hồ sơ về huy động vốn, giải ngân và tình hình tài chính của dự án.

Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng nhận định rằng, quá trình triển khai dự án có dấu hiệu bất thường trong luân chuyển dòng tiền chủ sở hữu từ Trung Nam Group.

Cụ thể, ngày 1/8/2017, Trung Nam Group đã góp 390,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 và hoàn thành nghĩa vụ nộp 1.100 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 1/8/2017, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 đã sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để cho một đơn vị khác vay với số tiền 362,9 tỷ đồng. Từ chi tiết này, Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng, có sự thiếu minh bạch trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu, gây rủi ro thiếu vốn chủ sở hữu phục vụ thực hiện dự án.

Về tiến độ giải ngân vốn cho dự án, Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 đã tạm ứng cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (nhà thầu) vượt quá giá trị bảo lãnh dẫn đến rủi ro bảo toàn nguồn vốn.

Cụ thể, trong tháng 6-7/2016, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 đã ký các hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Xây dựng và lắp máy Trung Nam.

Phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 đã tạm ứng 6% giá trị hợp đồng này cho Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam mà không thực hiện các thủ tục bảo lãnh tạm ứng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, số tiền tạm ứng này được lấy từ nguồn vốn lãi suất ưu đãi 3% do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Mặt khác, Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng, việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận giá trị tạm ứng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 giải ngân số tiền 1.518 tỷ đồng cho các hợp đồng XD 01 đến XD 07 là vi phạm các quy định của hợp đồng BT số 2607/2016/HĐ-UBND ngày 27/5/2016 được ký kết giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (bên A) với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 (bên B) và Điều 1 Biên bản thỏa thuận về cơ chế phối hợp triển khai dự án.

“Việc bên A (Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) xác nhận giá trị giải ngân từ nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp tạm ứng cho nhà thầu của bên B (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547) là không đúng với bản chất của hợp đồng BT. Việc bên A không được cung cấp thông tin, không giám sát nguồn tiền tạm ứng này có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý cho bên A nếu đơn vị tiếp nhận nguồn vốn tạm ứng này sử dụng sai mục đích.

Trong khi đó, khoản tạm ứng nói trên trong hợp đồng ký giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 và Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam là thoả thuận riêng giữa 2 pháp nhân với nhau, không phải là thỏa thuận giữ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (bên A) với nhà đầu tư (bên B) trong hợp đồng BT đã được ký kết, lại càng không phải là thoả thuận giữa bên A và bên B.

Do đó, bên A không có trách nhiệm xác nhận giải ngân vốn tạm ứng cho nhà thầu của bên B từ nguồn vốn lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước,” báo cáo của Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng nêu rõ.

Theo tính toán của Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng, đối chiếu với lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (6,25%/năm), khoản tạm ứng 1.518 tỷ đồng sẽ gây thiệt hại trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước số tiền chênh lệch lãi suất tương ứng là 98,67 tỷ đồng/2 năm.


(Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Còn đối chiếu với lãi suất vay ưu đãi 3%/năm với lãi suất thông thường của BIDV, Ngân hàng Nhà nước sẽ thiệt hại do chênh lệch lãi suất khoảng 209,48 tỷ đồng/2 năm.

Chậm tiến độ do thiếu mặt bằng?

Ngoài vấn đề tiền tạm ứng, "phản pháo" quan điểm của Trung Nam Group cho rằng, do chậm bàn giao mặt bằng tại một số vị trí cho hạng mục thi công kè đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án, Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng dự án khẳng định, lý do này là không phù hợp vì thực tế các hạng mục quan trọng gồm 6 cống ngăn triều và phần lớn chiều dài thi công của toàn tuyến kè đã được bàn giao cho Trung Nam Group nên có thể thi công bình thường.

Việc chậm trễ tiến độ dự án chủ yếu là do nguồn lực tài chính và các sai sót có tính hệ thống trong quá trình thực hiện dự án của Trung Nam Group.

Trước đó, trong báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng dự án cho rằng, Trung Nam Group đã thay đổi thiết kế cơ sở mà chưa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận; trong đó, có việc sử dụng thép Trung Quốc.

Tại buổi giải trình với cơ quan báo chí được tổ chức mới đây, đại diện Trung Nam Group khẳng định, chủ đầu tư không có lỗi khi dự án tạm dừng. Trong hợp đồng BT không có điều khoản hay ràng buộc nào quy định sử dụng thép cửa van phải là thép của các nước G7, châu Âu, Mỹ, Nhật hay thép Trung Quốc. Việc sử dụng thép Trung Quốc đã giúp giảm chi phí hơn 90 tỷ đồng so với việc sử dụng thép của Nhật Bản.

Liên quan đến sự vụ này, được biết ngày 5/6/2017, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh ký Hợp đồng tư vấn số 32/HĐ-TTCN với Liên danh Tư vấn MVN-CMB-TL12. Nội dung hợp đồng xác định, Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá tiến độ huy động vốn và giải ngân vốn thực hiện dự án, giám sát và đánh giá đầu tư công khai tài chính của nhà đầu tư.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được triển khai theo hợp đồng BT với tổng vốn đầu tư là 9.926 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu là 1.068 tỷ đồng (tương đương 10,76%) còn lại là vốn vay với lãi suất 3% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước thông qua BIDV.

Cơ chế thanh toán hợp đồng này được thực hiện theo tỷ lệ, 16% tổng vốn đầu tư dự án được hoàn trả bằng quỹ đất, 84% còn lại sẽ được thành phố hoàn trả bằng tiền cho nhà đầu tư từ nguồn ngân sách.

Tính đến ngày 30/6/2018, giá trị khối lượng hoàn thành của dự án đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận và được BIDV giải ngân cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 là 3.491 tỷ đồng. Tổng số tiền BIDV đã giải ngân cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Nam BT 1547 đạt 4.047,6 tỷ đồng.

Đến nay dự án đã hoàn thành 72% khối lượng và tạm dừng thi công từ ngày 27/4 vừa qua. Nguyên nhân tạm dừng là do BIDV- Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án vì Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo biểu Phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện thủ tục tái cấp vốn.


Theo (TTXVN/Vietnam+)


baoxaydung.com.vn