Dự án 10.000 tỷ hoàn thành, TPHCM có hết ngập không?

Thứ ba, 14/05/2019, 19:16 GMT+7

Dự kiến, dự án chống ngập do triều của TPHCM trị giá 10.000 tỷ đồng hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả của dự án còn phụ thuộc vào việc triển khai hệ thống thoát nước đô thị.

Ngày 14/5, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM có buổi thị sát dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 trị giá gần 10.000 tỷ đồng.

Thường trực HĐND TPHCM giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP. Trong ảnh, cống kiểm soát triều Tân Thuận

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng các đại biểu đi thực địa dự án cống ngăn triều Tân Thuận, sau đó đi ca nô đến cống Mương Chuối, cống Phú Xuân và Cây Khô.

Tại buổi làm việc sau đó, ông Nguyễn Tâm Tiến – Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thực hiện dự án) báo cáo đoàn giám sát tổng quan về dự án, tiến độ và giải phóng mặt bằng.

Theo ông Tiến, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, các quận, huyện cam kết đến 30/6 sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Nếu đảm bảo được kế hoạch đề ra, dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm nay và vận hành vào đầu quý 1/2020.

Mương Chuối là cống kiểm soát triều lớn nhất của dự án chống ngập trị giá gần 10.000 tỷ đồng

Toàn dự án ảnh hưởng đến 229 hộ dân và 26 tổ chức, với hơn 180ha. Đến nay, còn 92 hộ dân và 3 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng (khoảng 65ha).

“Đến nay dự án đạt 76%. Nếu các địa phương bàn giao mặt bằng đúng cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết: “Có nhiều người đặt câu hỏi dự án này hoàn thành thì thành phố có hết ngập không?”.

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết dự án chống ngập do triều chỉ có chức năng ngăn triều, bơm nước ra ngoài sông, hỗ trợ tiêu thoát nước

Theo ông, có thể hết hoặc có thể... không! Vì trong đô thị thực hiện các dự án thoát nước theo quy hoạch 752. Nước phải thoát ra ngoài kênh, sông được thì mới phát huy được hiệu quả dự án trị giá gần 10.000 tỷ đồng này.

“Nếu như cống nghẹt, nước ngập trong tuyến đường nào đó thì không thể đổ lỗi cho dự án. Nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Thoát nước ra kênh rạch trong thành phố được thì dự án mới phát huy hiệu quả bơm nước ra ngoài sông, giúp hạ mực nước trong kênh, rạch, hỗ trợ thoát nước trong nội đô”, ông Tiến nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ quan tâm đến tính kết nối của các dự án chống ngập để phát huy hiệu quả đầu tư

Báo cáo của nhà đầu tư khiến Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ băn khoăn và yêu cầu cơ quan chức năng TP nói rõ hơn về hiệu quả dự án và tính kết nối với các công trình chống ngập trong nội đô mà TP triển khai thời gian qua.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP – cho biết, do những hạn chế của quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM (quy hoạch 752) trước đây nên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi chống ngập úng (1547) cho thành phố. Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng là một phần việc khi thực hiện quy hoạch 1547.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho rằng đảm bảo thoát nước trong đô thị mới phát huy hiệu quả dự án trị giá gần 10.000 tỷ đồng

Theo đó, tuyến đê bao và hệ thống cống ngăn triều giúp hỗ trợ giữ mực nước kênh, rạch trong thành phố nằm trong vành đai.

“Khi dự án kiểm soát triều giúp hạ thấp mực nước trong kênh, rạch sẽ đảm bảo tiêu thoát nước mưa. Nhưng với điều kiện là các tuyến đường phải đảm bảo thoát nước ra kênh, rạch hiệu quả”, ông Dũng nói. Theo ông, thời gian tới TP triển khai hàng chục dự án để đảm bảo thoát nước trong đô thị, giúp phát huy hiệu quả dự án gần 10.000 tỷ đồng.

Nói rõ hơn về thoát nước trong đô thị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Nguyễn Văn Trực đề cập đến vai trò và ý thức của người dân thành phố. Theo ông, để có nước ra kênh, rạch thì người dân cần nâng cao ý thức, không xả rác bừa bãi làm nghẽn dòng chảy.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Nguyễn Văn Trực cho rằng ý thức người dân đóng vai trò quan trọng trong thoát nước đô thị

Để phát huy hiệu quả dự án chống ngập, ông Trực cho biết sẽ tiến hành rà soát lại hệ thống cống thoát nước mà người dân, doanh nghiệp đấu nối trực tiếp ra sông. Sau đó, tiến hành điều chỉnh van cống để tránh hiện tượng nước trào ngược vào trong.

Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu HĐND TP bày tỏ lo ngại vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.

“Nghe báo cáo tình hình, tôi lo ngại các địa phương bàn giao mặt bằng không kịp vì chỉ còn 45 ngày nữa”, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên nói.

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Thi Thị Tuyết Nhung cũng đặt vấn đề UBND TP sẽ giải quyết như thế nào nếu các địa phương không bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Mặt bằng không được giao đúng cam kết 30/6 sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án chống ngập cho TP

Vấn đề này, đai diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, quận 7 có trả lời thêm nhưng các đại biểu vẫn chưa yên tâm.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương liên quan và UBND TP về giải phóng mặt bằng trong tháng 5 này để đảm bảo chắc chắn thực hiện đúng cam kết.


Theo Quốc Anh/Dantri.com.vn