Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp để trình Chính phủ ký ban hành.
Theo đó, Nhà nước sẽ rà soát và quyết định thu hồi những lô đất doanh nghiệp sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch để ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp tiếp tục nắm giữ toàn bộ diện tích đất đang quản lý nhưng không phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.
Đồng thời Bộ Tài chính bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất, ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi ra quyết định chuyển sang công ty cổ phần.
Việc xử lý các cơ sở nhà đất sẽ thực hiện đúng quy định Luật Đất đai 2013, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước không được kinh doanh bất động sản nên các cơ sở đất cho thuê, chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích sẽ phải chuyển trả UBND tỉnh, thành phố để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật đất đai và quản lý ngân sách Nhà nước.
Các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa phải đảm bảo phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của Chính phủ, phù hợp với quy hoạch tại địa phương và phải gửi đến UBND tỉnh, thành phố trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.
Để tránh việc một số doanh nghiệp Nhà nước lách luật khi không trả lại đất cho Nhà nước trong khi không còn nhu cầu sử dụng rồi kêu gọi hợp tác đầu tư để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp thì dự thảo quy định rất cụ thể.
Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước không có chức năng kinh doanh bất động sản thì không được kinh doanh bất động sản. Do đó, các lô đất sử dụng sai mục đích, đất không sử dụng sẽ bị thu hồi và bàn giao cho địa phương.
Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước phải quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, đúng phương án sử dụng toàn bộ diện tích đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, giá thuê đất phải được xác định cụ thể theo từng lô đất, khung giá đất hàng năm làm cơ sở thực hiện.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp ôm đất vàng gây thất thoát tài sản Nhà nước, việc định giá doanh nghiệp sẽ đưa giá trị đất gồm cả đất thuê và giá trị doanh nghiệp, trong đó có tính cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất. Việc tính giá trị vị trí địa lý vào trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định Luật Đất đai phải đảm bảo nguyên tắc theo giá thị trường.
Trước đó, hồi tháng 2, Bộ Tài chính đã có công văn số 2000/BTC-TTr gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017 đối với 60 dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Văn bản của Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thuế rà soát từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhà Nước cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên những doanh nghiệp này không tính giá trị quyền sử dụng đất vào việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.
Ngoài ra, việc thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà đất được UBND tỉnh, thành phố cho chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở để bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định của Luật Đất đai.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.
Theo Trí thức trẻ