Sáng 4/8, tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố, Sở Xây dựng Tp.HCM đã giải đáp nhiều thắc mắc về vấn đề cấp phép, xây dựng, phát triển dự án bất động sản (BĐS).
Một vấn đề rất được quan tâm là không ít doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đầu tư, phát triển dự án BĐS nhưng lại không nắm rõ những quy định liên quan đến lĩnh vực này. Thậm chí, một số doanh nghiệp dù biết nhưng vẫn cố tình vi phạm, đẩy cái khó cho khách hàng.
Điển hình như Công ty Đầu tư Nam Linh (đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè) lấy sản phẩm của chủ đầu tư khác để bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng vẫn nhận cọc của khách 60-90% và sau đó, Công ty Đầu tư Nam Linh lại tiếp tục chuyển nhượng căn hộ đã bán cho một công ty BĐS khác.
Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định rõ, chủ đầu tư kinh doanh BĐS không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, góp vốn hoặc liên doanh ký kết hợp đồng chuyển nhượng, mua bán. Do đó, việc Công ty Đầu tư Nam Linh ký hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai với khách hàng nhưng không phải sản phẩm của mình là vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp BĐS đang cố tình làm sai quy định dẫn đến khiếu kiện
Đại diện Phòng Phát triển nhà và Thị trường BĐS khẳng định, trước khi chủ đầu tư và khách hàng ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, dự án phải được Sở Xây dựng xác nhận bằng văn bản đã đủ điều kiện được bán.
Về vấn đề này, thời gian qua không ít chủ đầu tư, công ty môi giới BĐS đã tự ý “vượt rào” bán nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Thậm chí, một căn hộ cùng lúc bán cho 4-5 khách hàng, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số chủ đầu tư chung cư vì muốn khai thác tối đa lợi nhuận nên đã cố tình làm sai. Cụ thể, Luật Nhà ở 2014 nghiêm cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, sử dụng phần diện tích được kinh doanh gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cư dân, môi trường xung quanh...
Quy định là thế nhưng một số chủ đầu tư đã biến phần diện tích chung để kinh doanh hoặc làm văn phòng, nơi giao dịch. Rõ ràng những chủ đầu tư này đang cố tình làm sai bởi Bộ Xây dựng đã ban hành quy định nhà chung cư phải được sử dụng đúng mục đích thiết kế, công năng và nội dung dự án được duyệt.
Vì vậy, việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng là sai quy định của pháp luật. Thậm chí, việc cải tạo, sửa chữa chung cư để phù hợp với mục đích làm văn phòng, kinh doanh, thay đổi công năng phải được cơ quan chức năng chấp thuận, chứ chủ đầu tư không được tự ý thay đổi.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, việc phát triển các chung cư gần đây có sự lộn xộn về công năng sử dụng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Chẳng hạn khi đã có không ít tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại cho thuê ngay bên cạnh thì nhiều dự án chung cư vẫn xây thêm shophouse, officetel.
Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM Trần Trọng Tuấn nhấn mạnh, Sở sẽ tiếp thu và giải quyết mọi thắc mắc của doanh nghiệp theo thẩm quyền được phân công. Nhưng trước tiên, để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, đúng hướng thì các doanh nghiệp phải tuân thủ luật pháp, hướng đến quyền lợi của khách hàng.
Theo Thời báo ngân hàng