Đình trệ nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh

Thứ tư, 12/06/2019, 20:37 GMT+7

Vừa qua, do nhiều đợt thanh kiểm tra, thậm chí khởi tố bắt giam một số lãnh đạo TP Hồ Chí Minh liên quan đến quản lý đất đai đã khiến hồ sơ dự án nhà ở bị “ngâm,” làm nhiều doanh nghiệp lao đao.


Đại diện Tập đoàn Bất động sản Phú Gia Thịnh và các đối tác thực hiện ký kết hợp tác tại lễ ra mắt dự án. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Vừa qua, do nhiều đợt thanh kiểm tra, thậm chí khởi tố bắt giam một số lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến quản lý đất đai, đã khiến hồ sơ dự án nhà ở bị “ngâm,” làm nhiều doanh nghiệp lao đao.

Việc triển khai mới dự án nhà ở tại thành phố đang trong tình trạng đứng lại từ khâu xin chủ trương đầu tư, đóng tiền sử dụng đất đến cấp phép xây dựng và xác nhận đủ điều kiện mở bán sản phẩm hình thành trong tương lại.

Ý kiến trên đây của một doanh nghiệp bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh phần nào bức tranh chung thị trường nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh nửa đầu năm nay.

Vắng vẻ

Trong khi tại địa bàn giáp ranh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai khá nhộn nhịp chào bán các dự án mới với các thương hiệu Hồng Thịnh, Cát Tường, Trần Anh, Hiển Vinh, tại Thành phố Hồ Chí Minh lại vắng vẻ đến mức khó tưởng.

Từ đầu năm đến nay các thương hiệu lớn hoạt động trên địa bàn thành phố như Thuduc House, Hưng Thịnh, Novaland, Nam Long, Khang Điền,… đều “im hơi lặng tiếng.”

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, nguồn thu ngân sách thành phố về tiền sử dụng đất sụt giảm mạnh, trong quý 1 vừa qua Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%. Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30-50% do các chủ đầu tư bất động sản thiếu nguồn dự án mới.

Báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, thành phố đã cấp 5.277 giấy phép xây dựng, giảm 12% so với cùng kỳ năm năm trước.

Chỉ tính riêng trong tháng 2/2019 Sở Xây dựng chỉ thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư một dự án nhà ở thương mại. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, Sở Xây dựng chỉ xác nhận 10 dự án đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Còn theo Công ty CBRE Việt Nam, quý 1 vừa qua thị trường văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận sự khan hiếm nguồn cung, thị trường căn hộ trầm lắng với lượng nguồn cung chào bán mới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài lý do là kỳ nghỉ Tết dài, vấn đề về chậm cấp phép đã ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch chào bán của các chủ đầu tư. Trong quý 1 năm nay chỉ có 4.423 căn hộ từ 12 dự án được chào bán, giảm 46% so với quý 4 năm ngoái và giảm 54% so với cùng kỳ năm đó. Tương tự, sản phẩm biệt thự, nhà phố xây sẵn sụt giảm, chỉ bằng 42% so với quý 1/2018.

Ách tắc hồ sơ

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng “thưa vắng” dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua; trong đó nguyên nhân chủ quan là hồ sơ bị “ngâm” do tâm lý của một bộ phận cán bộ các sở ngành trước nhiều đợt thanh kiểm tra kéo dài, một số nguyên lãnh đạo vướng vào vòng lao lý.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long, do sự chồng chéo trong quy định pháp luật, việc thanh tra, kiểm toán kéo dài nên nhiều dự án ngưng trệ, thiếu nguồn cung, đẩy giá lên cao.

Còn theo ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, hiện tập đoàn đang có một số dự án chưa được duyệt tiền sử dụng đất nên chưa thể cấp giấy chứng nhận quyền sử hữu nhà ở cho khách hàng, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện.

Novaland kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố sớm có giải tỏa cho văn bản đã ban hành trong tháng 12/2018 về “tạm dừng thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất” tại 7 dự án của tập đoàn này đầu tư trên địa bàn quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời xem xét và sớm phê duyệt giá tiền sử dụng đất của 10 dự án mà Novaland đã nộp hồ sơ xin duyệt tiền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

Còn theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện có 75% dự án bất động sản trên địa bàn thành phố khi đầu tư phải làm hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, lập quy hoạch 1/500, công nhận chủ đầu tư… Do thủ tục lòng vòng, không rõ trình tự trước sau nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, khiến một số dự án khó có cơ hội triển khai.

Trước tình hình đó, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương đã khẩn trương rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn và đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp cần tiếp tục được tháo gỡ.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã giao Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các Sở ngành phải xây dựng, công khai quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ, không để tình trạng người đứng đầu trả lời không biết làm thế nào, chuyên viên không trình lên cấp trên do chưa biết phải làm sao.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ kiên quyết điều chuyển những cán bộ quận, huyện thiếu trách nhiệm, sợ và đùn đẩy trách nhiệm.

Với 124 dự án chậm tiến độ, những dự án nào đang thanh tra có kết luận sai phạm, đang được công an thụ lý thì phải dừng lại, còn những dự án nào không rơi vào trường hợp trên, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khởi động, triển khai. Thành phố cũng đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 360 ngày xuống còn 240 ngày.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo HoREA kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết có tình, có lý đối với hơn 30 dự án còn đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra, vừa bảo đảm nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người mua nhà.

Thành phố và các sở ngành sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi, tiếp tục giải quyết các thủ tục pháp lý về cấp phép xây dựng, quyền bán sản phẩm, xác định giá đất, sớm giao đất, thanh toán quỹ đất cho dự án BT (xây dựng-chuyển giao)… để doanh nghiệp có thể tiếp tục thực hiện dự án./.


Theo Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)