(Xây dựng) - Nhiệt điện Long Phú 1 (xây dựng tại tỉnh Sóc Trăng) là dự án trọng điểm quốc gia. Theo kế hoạch, còn khoảng một năm nữa, dự án sẽ hoàn thành nhưng thực tế triển khai tại công trường hiện gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do định mức, giá xây dựng bất cập.
Dự án nhiện điện Long Phú 1: Nhà thầu… trả lại việc
Tại dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, nhà thầu trả nhân công cao gấp 3-5 lần so với đơn giá nhân công.
Phó giám đốc Ban Dự án nhiệt điện Long Phú 1 LILAMA, Nguyễn Đức Hậu cho biết: “Dự án này hiện đang áp dụng định mức, đơn giá rất thấp, không phù hợp với thực tế thi công. Đơn cử, tại hạng mục kết cấu thép gian tua bin, định mức, giá xây dựng áp dụng là cẩu 50 tấn, nhưng trên thực tế, LILAMA phải sử dụng đến cẩu 250 tấn phục vụ thi công. Đơn giá lắp đặt tạm tính giữa nhà thầu LILAMA và tổng thầu là 2.079.000đồng/tấn. Nhưng chi phí này chỉ đủ trả nhân công, không có chi phí cho tất cả các trang thiết bị máy móc, vật tư phục vụ thi công.
Tại hạng mục lò hơi, toàn bộ phần ống và thiết bị là thép hợp kim, LILAMA cập nhật công nghệ mới, áp dụng hàn thép hợp kim, với chi phí lớn gấp 5 lần so với chi phí mối hàn thép cacbon theo định mức, đơn giá Nhà nước.
Ông Hậu chia sẻ: “Với định mức, đơn giá thấp như thế này, nhà thầu không đủ chi phí đầu tư thêm các trang thiết bị mới, hay ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các nhà thầu đều phải cố gắng tận dụng tất cả vật tư, trang thiết bị hiện có để thực hiện công việc, nhằm giảm thiểu chi phí. Thậm chí có một số nhà thầu tài chính ngày càng xấu đi, bị âm, không đủ để thực hiện các hạng mục, dẫn tới việc họ xin cắt bớt khối lượng công việc phải làm với tổng thầu hoặc không tiếp tục tham gia thi công dự án nữa.
Hệ luy chung là dự án sẽ bị chậm tiến độ do không có nhà thầu để thi công. Trong khi đó, đây là dự án trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần gia tăng sản lượng điện cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Dự án sớm đi vào hoạt động ngày nào thì càng có lợi cho nền kinh tế đất nước.
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1: Nhân công cao gấp 3-5 lần so với đơn giá
Tại dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 (xây dựng tại tỉnh Hậu Giang) do Tổng Cty LILAMA làm tổng thầu cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Trần Kim Bích - Phó Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 cho biết: “Nhà thầu LILAMA đã hoàn thành lắp đặt kết cấu và bao che nhà tua bin, với định mức dành cho công trình kết cấu dân dụng và công nghiệp thông thường. Trong khi trên thực tế, công trình nhà tua bin có kết cấu lớn, phức tạp, chiều cao cao hơn nhiều so với các nhà kho, nhà xưởng thông thường. Nhà thầu phải chi phí gấp đôi định mức để thi công hạng mục này”.
Còn tại hạng mục tuabin máy phát, móng của hạng mục rất đặc thù, là hệ thống bê tông khối lớn, chiều cao lớn hơn 15m. Thi công hạng mục này, nhà thầu phải áp dụng hệ thống bê tông làm lạnh và hệ chèo chống đặc thù cho phần khung đỡ máy phát. Tuy nhiên, đơn giá của Nhà nước không bao gồm hệ thống đặc thù này, do vậy chủ đầu tư và nhà thầu phải phải mời đơn vị thứ 3 như Viện Kinh tế Xây dựng kiểm tra, rà soát và lập định mức đơn giá đặc thù để thanh toán chi phí cho các công việc này.
Ông Trần Kim Bích nhận định: “Trong các hạng mục quan trọng, nhà thầu phối hợp với chủ đầu tư để tạm thanh toán các chi phí. Tuy nhiên, việc tạm thanh toán này cũng chưa đủ cho nhà thầu để thực hiện các hạng mục công trình. Càng về cuối dự án, với các định mức chưa phù hợp, hoặc không có định mức, sẽ gây ra sự tồn đọng dòng tiền thanh toán, càng gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công”.
“Hơn nữa, với cơ chế thanh toán theo định mức Nhà nước hiện hành sẽ không khuyến khích được nhà thầu áp dụng các công nghệ hiện đại và đặc thù để đảm bảo thi công với chất lượng và tiến độ tốt” – ông Bích nhận định.
Cũng tại 2 dự án nhiệt điện nói trên, đơn giá nhân công cũng bộc lộ những bất cập tương tự. Cả 2 dự án đều là công trình công nghiệp đặc thù, người lao động tham gia công trình đòi hỏi phải là kỹ sư, công nhân tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm. Lao động địa phương không đáp ứng được yêu cầu trên, nên hầu hết người lao động tham gia dự án là người từ Bắc vào. Xa nhà, xa người thân, lại làm việc trong môi trường công nghiệp nghiêm ngặt, yêu cầu kỹ thuật cao, nếu nhà thầu trả lương theo đơn giá nhân công nhà nước 80 - 100 nghìn đồng/ngày công thì chắc chắn không thể giữ chân được người lao động. Ngay cả lực lượng lao động tại địa phương cũng không ai đồng ý làm việc với mức lương này.
Ông Lê Thế Được - cán bộ kỹ thuật LILAMA 69-1 tại dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 cho biết: “Đơn vị hiện trả công (ngày làm 8 tiếng) là từ 320 – 360 nghìn đồng/ngày công đối với những cán bộ chủ chốt, thợ lành nghề; từ 230-240 nghìn đồng/ngày công, tùy theo năng suất lao động, đối với người lao động khác.
Ông Trần Kim Bích cũng cho biết: “Dự án nhiện điện Sông Hậu 1 thu hút gần 2.500 công nhân, trong đó có những công nhân giỏi nghề. Để giữ được họ, LILAMA phải trả công cao gấp 3-5 lần so với đơn giá nhân công của Nhà nước”.
Gỡ khó
Trong bối cảnh nói trên, tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, để đảm bảo tiến độ, theo Quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư và nhà thầu đang làm việc với nhau để thống nhất đơn giá tạm tính và tạm thanh toán 80% chi phí thực hiện, 20% còn lại phải bảo lãnh ngân hàng để chủ đầu tư thanh toán sau.
Đối với các đầu mục công việc chưa có trong hệ thống định mức hoặc định mức chưa phù hợp, để có được sự đồng thuận, đảm bảo tính khách quan giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hai bên thuê đơn vị thứ 3 là Viện Kinh tế Xây dựng khảo sát, xây dựng định mức, đơn giá, làm cơ sở để thanh toán cho nhà thầu. Việc này không chỉ làm chậm tiến độ thi công toàn dự án, mà còn ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà thầu.
Còn tại dự án nhiệt điện Long Phú 1, ông Nguyễn Đức Hậu cho biết: “Đối với các phần đã thi công rồi, ước tính tổng đơn giá hiện tại đáp ứng khoảng 40% so với chi phí thực tế LILAMA đã bỏ ra thi công (chưa tính lợi nhuận). Với đơn giá tạm tính, định mức chưa được cập nhật, càng ngày nhà thầu sẽ càng khó khăn do nguồn tài chính bị âm. Do vậy, dù ở vai trò nhà thầu phụ, LILAMA vẫn kiến nghị các Bộ, ban ngành nhanh chóng cho áp dụng đơn giá mới vào dự án.