Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với Việt kiều

Thứ ba, 06/02/2018, 14:58 GMT+7

So với Luật Nhà ở năm 2005, Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội nước ta ban hành ngày 25/11/2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015), có nhiều quy định mới về đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài theo hướng mở rộng hơn về đối tượng và thông thoáng hơn về điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

dieu-kien-duoc-cong-nhan-quyen-so-huu-nha-o-doi-voi-viet-kieu

Trường hợp vẫn mang quốc tịch Việt Nam thì sẽ có quyền và nghĩa vụ đối với nhà ở và đất theo quy định của Luật Đất đai và Luật nhà ở. Cụ thể:

Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 có quy định về Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam như sau:

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;

b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này.

Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;

c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

d) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Khoản 1; Điểm b Khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam.

Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và phải có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải có giấy tờ sau đây:

- Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.

- Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nếu bạn thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Việt Nam, bạn sẽ được sở hữu nhà ở, có các quyền của chủ sở hữu nhà ở trong đó có quyền được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu.

Theo Đầu tư Chứng khoán