Đề xuất cho startup mở văn phòng ở chung cư

Thứ ba, 20/12/2016, 08:26 GMT+7

Trong báo cáo thị trường vừa công bố, Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng việc cho phép doanh nghiệp "siêu nhỏ" được mở văn phòng tại các căn hộ chung cư là cách để khuyến khích khởi nghiệp.

Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, khoản 11 điều 6 Luật Nhà ở hiện nay cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở nên đây trở thành rào cản, hạn chế điều kiện khởi nghiệp cho giới trẻ.

Báo cáo cho rằng, khi khởi nghiệp, để tiết kiệm chi phí, các startup có xu hướng tận dụng các căn hộ nhỏ để làm văn phòng. Khi mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp thường có quy mô siêu nhỏ với nhân sự khoảng 3-5 người. Việc sử dụng chung cư làm văn phòng thường không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của cư dân xung quanh.

de-xuat-cho-startup-mo-van-phong-o-chung-cu
Sử dụng căn hộ làm văn phòng sẽ hỗ trợ nhiều cho các startup

Việc cấm sử dụng các căn hộ chung cư làm văn phòng khiến các doanh nghiệp mới khởi nghiệp phải tốn một khoản chi phí lớn để thuê mặt bằng. Đây là một cản trở lớn đến hoạt động khởi nghiệp đang được khuyến khích hiện nay.

Do đó, Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã đề nghị sửa đổi khoản 11 điều 6 Luật Nhà ở theo hướng cho phép các doanh nghiệp siêu nhỏ với số lao động không quá 3 người được hoạt động kinh doanh tại căn hộ chung cư để khuyến khích phong trào khởi nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu cho biết, để có một chỗ làm việc tại khu văn phòng dành cho startup, một doanh nghiệp nhỏ thường phải trả trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Còn để thuê một văn phòng riêng dành cho 3-5 người sẽ mất trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chi phí này dù không lớn nhưng rất có ý nghĩa với các startup khi khởi nghiệp.

Khi được hỏi về cơ chế giám sát các doanh nghiệp khi đã “lớn dần” và không còn là “siêu nhỏ” nữa, ông Châu đưa ra giải pháp đề cao vai trò của tổ dân phố xung quanh và chính quyền sở tại. Cần đưa ra một dạng “khế ước xã hội” để giám sát các doanh nghiệp “siêu nhỏ” này. Khi họ cần hỗ trợ thì sẽ được cộng đồng hỗ trợ còn khi họ “lớn dần” thì họ phải có trách nhiệm với cộng đồng bằng cách chuyển đi và không gây phiền đến xung quanh nữa.

Tổ dân phố và người dân xung quanh sẽ thực hiện giám sát “khế ước xã hội” đó. Khi có bất cứ sai phạm nào, các doanh nghiệp “siêu nhỏ” sẽ ngay lập tức không được hỗ trợ đặt trụ sở văn phòng tại chung cư nữa. Ông Châu cũng hi vọng đây sẽ là một cú hích, một sự hỗ trợ cần thiết dành cho giới trẻ hiện nay để cổ vũ phong trào khởi nghiệp.

Trong báo cáo, Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng đề nghị cần thay đổi cách tính tiền sử dụng đất để đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin - cho". Hiệp hội cũng kiến nghị áp dụng hình thức giao đất ổn định và lâu dài cho chủ đầu tư, chủ sở hữu phần diện tích công trình thương mại, dịch vụ, căn hộ dịch vụ trong dự án nhà ở...

Theo Zing News