Để di dời được các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô: Cần gắn chỉ tiêu đào tạo với di dời trường?

Thứ ba, 24/09/2019, 20:42 GMT+7

(Xây dựng) - Di dời các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ra khỏi nội đô là chủ trương đúng đắn đã được Chính phủ triển khai từ hơn chục năm nay. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện chủ trương này lại đang gặp nhiều khó khăn, khiến kết quả đạt được không như mong muốn. Trong khi đó, tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội vẫn diễn ra nghiêm trọng.


Việc di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô vẫn còn rất chậm.

Quá tải vì “gánh” nhiều trường ĐH

Điển hình cho tình trạng này là tại tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân). Đây được coi là tuyến đường có mặt cắt ngang rộng nhất Hà Nội, nhưng vào giờ cao điểm tuyến đường này luôn ở trong tình trạng ùn ứ, lộn xộn. Chỉ tính riêng đoạn từ Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Co.opmart đã phải “gánh” đến 7 trường ĐH. Bình quân mỗi trường ĐH tại đây có khoảng 10 nghìn sinh viên, vào giờ cao điểm tất cả cùng đổ về cổng trường, tham gia giao thông khiến tuyến đường luôn rơi vào tình trạng quá tải nặng nề.

Tình trạng ùn tắc tương tự cũng xảy ra với nhiều tuyến phố, nút giao thông đang có nhiều trường ĐH, CĐ lớn như tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, tuyến đường Tây Sơn - Chùa Bộc, đường Giải Phóng, phố Chùa Láng…

Theo chủ trương di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô, ngay từ năm 2010 Sở QH-KT Hà Nội, Bộ Xây dựng đưa ra phương án di dời, cải tạo 23 cơ sở giáo dục. Trong đó, 12 ĐH, CĐ được đề xuất di dời và 11 cơ sở giáo dục ĐH khác được đề xuất cải tạo. Các trường sẽ được bố trí tại các khu đô thị vệ tinh như Gia Lâm (khoảng 250ha), Sóc Sơn (600ha), Sơn Tây (300ha), Hòa Lạc (1.200ha), Phú Xuyên (100ha)... Đáng lưu ý, năm 2011 Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập rất rõ việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ khu vực nội đô khống chế khoảng 30 nghìn sinh viên.

Chính phủ chủ trương xây mới 3.500 - 4.500ha các khu, cụm ĐH ở 7 khu vực thuộc huyện ngoại thành Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, quy mô phục vụ 40 - 51 nghìn sinh viên.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội tại báo cáo gửi Bộ Xây dựng vào tháng 6/2019, tiến độ di dời của các trường đến nay còn rất chậm. Về cơ bản các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp đều đang tiếp tục sử dụng cơ sở cũ. Chỉ duy nhất trường ĐH Y tế cộng đồng tại 138B Giảng Võ, Q.Ba Đình đã được di dời đến địa điểm mới.

Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) cũng là một ví dụ điển hình về tình trạng chậm di dời. Được Chính phủ phê duyệt năm 2002 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị ĐH hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau 17 năm dự án này mới hoàn thành được vài ba khu nhà. Trong đó có nhà công vụ số 1, khu nhà của BQLDA, một ký túc xá đáp ứng chỗ ở cho 2 nghìn sinh viên, sau được chuyển cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng khai thác. Khối công trình 2 tòa nhà của dự án ĐH Khoa học tự nhiên (thành viên của ĐHQG Hà Nội) đang được xây dựng đến tầng 5. Một tòa nhà lớn trị giá hàng chục tỷ đồng hoành tráng nhất khuôn viên xây xong làm nhà khách. Xung quanh khu vực dự án vẫn là những con đường đất, đồi chè và vùng cỏ hoang rộng lớn.

Gắn chỉ tiêu đào tạo với việc di dời

Đánh giá về hệ lụy của việc các trường ĐH, CĐ còn nằm trong nội đô, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong khi việc di dời các trường ĐH, CĐ còn chậm trễ thì các trường lại tuyển thêm nguồn sinh viên mới, dẫn đến hiện tượng mất cân đối khi Hà Nội tập trung quá nhiều cơ sở. Trong khi đó, các tỉnh nằm trong vùng Thủ đô hoặc vùng ngoại thành mặc dù đã có quỹ đất nhưng không tạo điều kiện để xây dựng các trường ĐH, CĐ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩcho rằng, muốn thực hiện tốt chủ trương này, Chính phủ phải rất quyết tâm và cơ quan thực thi phải là Bộ GD&ĐT cùng với các bộ liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính. Mỗi trường phải lập kế hoạch, có lộ trình di dời cụ thể. Phải lập danh sách trường nào di dời, khi nào triển khai, không thể chung chung được. Bên cạnh đó, Nhà nước phải bố trí ngân sách đảm bảo việc xây dựng nhanh chóng đúng tiến độ. Với cơ chế tự chủ cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn đầu tư. Với giáo dục cần cho vay cực kỳ ưu đãi, tốt nhất là không tính lãi để các trường có thể đầu tư mở rộng đào tạo, cơ sở vật chất. Tại nhiều quốc gia gần chúng ta như Hàn Quốc, Đài Loan cũng đều cho các trường vay vốn ưu đãi nhiều.

“Về phía quản lý nhà nước, tôi nghĩ cần giao chỉ tiêu. Nếu trường ở trong nội đô, ví dụ như một trường chỉ tiêu đào tạo 10 nghìn người/năm thì bây giờ giao cho ở nội thành đào tạo giảm đi. Lộ trình giảm nội đô và dần giao chỉ tiêu tuyển sinh ra ngoại thành ở cơ sở trường mới. Có trường bây giờ di dời thì có vẻ xa nhưng vài năm đô thị phát triển, hạ tầng đồng bộ thì không còn xa nữa”, ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Vân Anh


baoxaydung.com.vn