Trường Đại học Hoa Lư và khu ký túc xá sinh viên tập trung được đầu tư hàng trăm tỉ đồng với kỳ vọng sẽ đáp ứng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, đã nhiều năm qua, 2 dự án này vẫn còn dang dở.
Năm 2010, UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định đầu tư dự án Trường ĐH Hoa Lư ở thôn Kỳ Vĩ, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình với tổng kinh phí gần 427 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia. Dự án do Trường ĐH Hoa Lư làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2011, Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất là đơn vị thi công. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng đầu năm 2016 nhưng đang là nỗi thất vọng của người dân địa phương.
Gần như bỏ hoang
Ghi nhận thực tế tại đây, chúng tôi không khỏi xót xa cho công trình trăm tỉ này khi nó gần như đã bỏ hoang giữa bốn bề cỏ dại. Tại đây, một khu nhà 10 tầng đã được xây dựng xong phần thô, còn 2 khu nhà theo thiết kế 5 tầng nhưng mới xây phần móng và dựng một số cột rồi bỏ không nhiều năm qua. Sân chơi thể thao, sân nền quanh trường chưa được xây dựng, cỏ mọc um tùm thành nơi chăn thả trâu, bò. Nhiều hộ dân gần đó thấy đất lãng phí nên trồng chuối, rau.
Trường ĐH Hoa Lư có mức đầu tư gần 427 tỉ đồng nhưng bỏ hoang nhiều năm nay
Dự án này có tổng diện tích 15 ha, nhiều người dân phải nhường đất cho dự án nhưng giờ thấy bị “trùm mền” khiến họ bức xúc. “Lúc đầu, dự án cũng xây dựng rầm rộ lắm nhưng khi xong phần thô khu nhà 10 tầng thì thợ cứ rút dần. Mấy năm nay chẳng có ai xây dựng nữa, chỉ thấy 2 bảo vệ ăn ngủ ở đây để trông đồ đạc” - một người dân thôn Kỳ Vĩ nói.
Nguyên nhân khiến Trường ĐH Hoa Lư chậm tiến độ, bỏ hoang là do thiếu vốn. Theo nhà đầu tư, mỗi năm, UBND tỉnh Ninh Bình cấp vốn nhỏ giọt, khoảng 10 tỉ đồng nên chỉ xây dựng hết thì lại dừng. Hiện số vốn đã giải ngân cho nhà thầu gần 200 tỉ đồng.
Liên tục thay đổi
Cách Trường ĐH Hoa Lư khoảng 100 m, một dự án lớn có vốn đầu tư trên 835 tỉ đồng cũng rơi vào cảnh thi công dang dở là khu ký túc xá sinh viên tập trung. Dự án được xây dựng từ năm 2009 trên tổng diện tích khu đất 11,29 ha, công trình đi vào hoạt động sẽ đáp ứng chỗ ở cho 7.680 sinh viên của 3 trường ĐH, CĐ trên địa bàn là: ĐH Hoa Lư, CĐ Y tế Ninh Bình và CĐ nghề Lilama.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình, từ năm 2009 đến 2013, công trình đã xây dựng được phần thô 4 dãy nhà 5 tầng, đến cuối năm nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dừng cấp khiến công trình dừng thi công.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định tách dự án này thành 3 dự án khác nhau gồm: Khu ký túc xá sinh viên tập trung Ninh Bình, Nhà ở xã hội và Xây dựng cơ sở hạ tầng có đấu giá.
Điều đáng nói là dự án ký túc xá liệu có thực sự hiệu quả khi lượng sinh viên ngày một giảm mạnh tại 3 trường này. Qua khảo sát của Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình, Trường ĐH Hoa Lư có tổng số 2.500 sinh viên, ký túc xá có 800 chỗ nhưng chỉ có 400 sinh viên đăng ký ở; Trường CĐ Y tế Ninh Bình có 900 sinh viên và Trường CĐ Nghề Lilama có 500 sinh viên nhưng nhu cầu ở ký túc xá cũng chỉ trên 200 sinh viên. Vì vậy mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình lại có phương án chia khu ký túc xá trên thành 4 công trình khác nhau.
Theo đó, khu ký túc xá sinh viên tập trung Ninh Bình được chia thành: dự án 1 - Xây dựng khu Ký túc xá sinh viên và nhà ở xã hội (ngôi nhà C 5 tầng); dự án 2 - Chuyển 2 khối nhà 5 tầng A và D thành dự án xây dựng Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Ninh Bình; dự án 3 - Xây dựng Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh Ninh Bình (nhà B 5 tầng) và dự án 4 - Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất cho khoảng 5,5 ha còn lại.
Theo Người lao động