(Xây dựng) - UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành quy định mới về việc thực hiện các hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đấu thầu dự án đầu tư công và phân cấp, uỷ quyền một số thẩm quyền của UBND TP Đà Nẵng.
Ảnh minh họa.
Đồng thời thông báo hết hiệu lực thi hành đối với Chương III, Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2016 của UBND TP Đà Nẵng về việc Ban hành Quy định một số vấn đề về mua sắm, quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn thành phố. Bãi bỏ Công văn số 6162/UBND-QLĐT ngày 14/8/2012 của Chủ tịch UBND thành phố về việc liên quan đến thực hiện các công trình thuộc nguồn vốn sự nghiệp giao thông.
Theo quy định mới được ban hành, việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định, các văn bản, quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công, về ODA, vốn vay ưu đãi và PPP.
Tất cả các dự án sử dụng vốn theo quy định ban hành, trừ các dự án chỉ sử dụng vốn từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để đầu tư sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng đều phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án nhóm A, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và nhóm C.
Quy định mới cũng quy định các cấp thực hiện dự án. Chủ tịch UBND thành phố sẽ phê duyệt đối với các trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A. Đối với các dự án sử dụng nhiều nguồn vốn gồm vốn thuộc quản lý của thành phố và vốn thuộc quản lý của quận, huyện thì HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C. UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm C còn lại. Quy trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án này thực hiện như dự án sử dụng nguồn vốn thuộc quản lý của thành phố.
Đối với các dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc mua sắm trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị, cơ sở hoạt động sự nghiệp phải có ý kiến của Sở Tài chính về tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Chính phủ.
Đối với dự án sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách Nhà nước trong các lĩnh vực theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên thì không phải thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đồng thời quy định quá trình thẩm định dự án đầu tư công, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh tăng quy mô, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án so với quy định tại quyết định chủ trương đầu tư thì chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định lại chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn điều chỉnh. Trên cơ sở kết quả thẩm định chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ có tờ trình đề nghị cơ quan quyết định chủ trương đầu tư quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Nếu điều chỉnh tăng quy mô, nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư và vẫn bảo đảm mục tiêu của dự án như trong quyết định chủ trương đầu tư thì không phải thẩm định lại chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án nhóm A có cấu phần xây dựng do Chủ tịch UBND thành phố quyết định đầu tư.
Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập Hội đồng thẩm định do một Lãnh đạo UBND thành phố làm Chủ tịch Hội đồng, Sở Kế hoạch và Đầu tư là Thường trực Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A không có cấu phần xây dựng do Chủ tịch UBND thành phố quyết định đầu tư.
Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định dự án có cấu phần xây dựng từ nhóm B trở xuống. Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì tổ chức thẩm định tất cả các dự án không có cấu phần xây dựng từ nhóm B trở xuống.
Các dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng sẽ do UBND quận, huyện quản lý, được UBND thành phố phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư. Các phòng chức năng quản lý của UBND quận, huyện sẽ chủ trì tổ chức thực hiện.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc UBND thành phố có trách nhiệm là đầu mối chủ trì tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án do thành phố quản lý. Đồng thời phân cấp các Sở chủ trì tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến đối với các dự án liên quan nhiệm vụ quản lý của đơn vị.
Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định.
Các tổ chức, cá nhân tư vấn thẩm tra chưa đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng thì phải được cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản. Tổ chức tư vấn lập dự án không được thẩm tra dự án do mình lập.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng đã quy định Chủ tịch UBND thành phố quyết định đầu tư dự án sử dụng toàn bộ vốn ngân sách thành phố có tổng mức đầu tư từ 05 tỷ đồng trở lên. Giám đốc các Sở được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng đối với dự án do mình hoặc đơn vị trực thuộc quản lý. Trường hợp dự án đầu tư có các hạng mục thuộc chuyên ngành khác nhau, cơ quan được UBND thành phố phân cấp, ủy quyền có trách nhiệm lấy ý kiến của các Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định này trước khi quyết định.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến việc điều chỉnh dự án, chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án tổng hợp hồ sơ, báo cáo cơ quan đã chủ trì thẩm định dự án kiểm tra, kiến nghị xử lý, gửi người quyết định đầu tư có ý kiến thống nhất, làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Trường hợp điều chỉnh dự án không tăng tổng mức đầu tư dự án hoặc tăng tổng mức đầu tư nhưng không vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã phê duyệt, cơ quan quản lý dự án sẽ gửi hồ sơ điều chỉnh dự án cho cơ quan chủ trì thẩm định để thẩm định và trực tiếp trình cấp quyết định đầu tư dự án phê duyệt điều chỉnh dự án nhưng phải có ý kiến đồng ý của cấp quyết định đầu tư dự án, chủ đầu tư dự án.
Trường hợp điều chỉnh dự án vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã phê duyệt thì trên cơ sở ý kiến đồng ý của cấp quyết định đầu tư dự án, chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án lập báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định lại. Trên cơ sở kết quả thẩm định chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án trình cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở để triển khai thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến việc điều chỉnh thiết kế, dự toán công trình xây dựng, chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, báo cáo cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định này.
Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, danh sách xếp hạng nhà thầu… thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu.
Trường hợp tổ chức, cá nhân được giao thẩm định không đủ năng lực thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, thống nhất việc lựa chọn một tổ chức tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thẩm định.
Việc điều chỉnh hợp đồng, hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định của Luật, Nghị định, các văn bản, quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tuân thủ quy định, kịp thời đáp ứng tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.
Đồng thời quy định mới cũng đã quy định về mức tạm ứng vốn. Đối với hợp đồng thi công xây dựng có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng là 20% giá trị hợp đồng. Hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng là 15% giá trị hợp đồng. Hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng là 10% giá trị Hợp đồng.
Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác thì mức vốn tạm ứng là 10% giá trị hợp đồng.
Đối với hợp đồng tư vấn có giá trị trên 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng là 15% giá trị hợp đồng. Hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng là 20% giá trị hợp đồng. Trường hợp cần tạm ứng với mức cao hơn để đẩy nhanh tiến độ thì phải được người quyết định đầu tư cho phép mức tạm ứng.
Mức thanh toán khi hoàn thành khối lượng xây lắp sẽ thanh toán đến 90% đối với công trình có mức bảo hành 5%; thanh toán đến 92% đối với công trình có mức bảo hành 3% giá trị khối lượng hoàn thành lũy kế đối với đợt thanh toán cuối cùng của dự án, công trình.
Trong quá trình thực hiện quyết toán và bảo hành công trình, trường hợp công việc nào hoàn thành trước sẽ được thanh toán số vốn còn lại của công việc đã hoàn thành đó.
Tổng số vốn thanh toán cho các dự án, công trình không vượt dự toán được duyệt hoặc giá gói thầu, không vượt kế hoạch vốn cả năm đã bố trí cho dự án, bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành.
Thực hiện lựa chọn nhà thầu kiểm toán để kiểm toán báo cáo quyết toán vốn trước khi trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán đối với các gói thầu giá trị từ 45 tỷ đồng trở lên, không thực hiện kiểm toán đối với chi phí đền bù giải tỏa và các gói thầu thiết bị thuộc các công trình trên địa bàn thành phố.
Các gói thầu có giá trị nhỏ hơn 45 tỷ đồng nhưng có tính chất phức tạp, cần thiết phải thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán vốn, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét thống nhất cho từng trường hợp cụ thể trước khi triển khai thực hiện.