Ngày 5/6, UBND TP Đà Nẵng tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, đồng thời tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn năm 2020 – 2030.
Đề án xây dựng thành phố môi trường đã được Đà Nẵng triển khai thực hiện trong 10 năm qua.
Theo đó, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng- thành phố môi trường” được triển khai từ năm 2008, mục tiêu chung đến năm 2020, sẽ phấn đấu trở thành thành phố thân thiện môi trường, đạt các mục tiêu về đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước đến thành phố.
Ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, có đủ năng lực xử lý và khắc phục các sự cố môi trường. Tất cả người dân thành phố, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến làm ăn, sinh sống tại Đà Nẵng đều có ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố môi trường.
Trong 10 năm thực hiện đề án, bên cạnh những kết quả đạt được, một số thành phần môi trường đã được cải thiện đáng kể, như môi trường không khí xung quanh, chất lượng nước tại một số hồ trong đô thị, chất lượng nước sông đã được cải thiện một phần…
Tuy nhiên, vẫn tồn tại và nảy sinh hàng loạt vấn đề ô nhiễm chất lượng môi trường khác, có tính chất cục bộ. Những điểm nóng môi trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc người dân.
Đó là việc gia tăng cục bộ các tác động của phát triển đô thị đến chất lượng môi trường không khí như tiếng ồn trong khu dân cư, phát sinh bởi các cơ sở kinh doanh các ngành nghề dịch vụ vui chơi, giải trí, các cơ sở sản xuất cơ khí, sản xuất gỗ, tình trạng tắc nghẽn giao thông gia tăng. Có chiều hướng gia tăng các sự cố nhỏ, có tính chất phức tạp, khó dự báo và khó kiểm soát như ngập lụt, xâm nhập mặn, hoạt động sản xuất, tình trạng hư hỏng các công trình xử lý môi trường làm suy giảm chất lượng môi trường.
Vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt xuất phát từ đặc điểm hạ tầng thoát nước chung, hệ thống thu tách nước thải chưa hoàn thiện. Mật độ dân số, tốc độ phát triển đô thị khu vực tăng nhanh, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường tại các hồ điều tiết, kênh mương thoát nước. Các giải pháp quản lý, kỹ thuật để tăng cường khả năng tự làm sạch các hồ, kênh mương chưa thực hiện đồng bộ.
Hệ thống thoát nước của thành phố chưa bảo đảm yêu cầu, chủ yếu là hệ thống thoát nước chung giữa nước mưa và nước thải nên dễ xảy ra sự cố khi cúp điện đột ngột dẫn đến nước mưa hoặc hệ thống thu gom nước thải bị sự cố, nước thải không thể bơm về các trạm xử lý nước thải để xử lý sẽ chảy tràn ra biển.
Ngoài ra vẫn còn đó sự tồn tại của một số doanh nghiệp chưa tuân thủ về môi trường. Tại một số doanh nghiệp, nước thải sau khi xử lý cục bộ chưa đạt yêu cầu, gây sốc tải trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp (KCN).
Một số doanh nghiệp chưa hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, chưa hoàn chỉnh hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt.
Xả thải ô nhiễm bờ biển vẫn còn là những nhức nhối trong quá trình thực hiện xây dựng thành phố môi trường.
Bên cạnh đó là môi trường nguồn nước cấp chính của thành phố chịu ảnh hưởng bởi tình hình xâm nhập mặn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tình trạng này trở nên nặng nề kể từ năm 2012 nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 chuyển dòng nước qua sông Thu Bồn. Những năm gần đây, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên và kéo dài trên sông Vu Gia tại Cầu Đỏ.
Việc phân phối dòng chảy chưa thật sự phù hợp giữa các tháng nên hiệu quả sử dụng nước chưa cao, khống chế mặn đạt hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, dưới tác động của dòng chảy, lũ lụt hàng năm, gây biến đổi lòng dẫn trên sông dẫn đến việc trao đổi dòng chảy giữa sông Vu Gia và Thu Bồn thay đổi lớn.
Tình trạng ô nhiễm đất, ô nhiễm nước thải từ một số KCN xảy ra một vài khu vực như đất nông nghiệp thuộc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hoà Hiệp bị ô nhiễm do nước thải từ KCN Hòa Khánh… Các KCN được xây dựng chưa đảm bảo quy định về khoảng cách cách ly vệ sinh giữa các công trình công nghiệp và khu dân cư theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng.
Các công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các KCN hiện nay xấp xỉ ngưỡng công suất hoạt động, không đảm bảo năng lực tiếp nhận xử lý đối với trường hợp các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, nâng công suất sản xuất. Quan trắc tự động môi trường như nước thải, khí thải tại các KCN, khu công nghệ cao và các nhà máy có nguồn thải theo quy định mới được ban hành. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn vẫn chưa thực hiện.
Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được và rút ra những bài học, những tồn tại của giai đoạn 10 năm qua, Đà Nẵng tiếp tục triển khai đề án cho giai đoạn năm 2020 – 2030. Hướng đến việc xây dựng thành phố môi trường là một quá trình lâu dài, bền vững, kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, người dân có ý thức, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng và hình thành lối sống văn minh.
Giải quyết tốt, hài hòa các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội, khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn cảnh quan, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Lấy phòng ngừa ô nhiễm là chủ đạo, kết hợp kiểm soát, khắc phục, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư cho hiện tại và tương lai, hướng đến phát triển đô thị bền vững.