Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương, là "cực tăng trưởng" quan trọng của vùng kinh tế Nam Tây Nguyên.
Ngày 22/3, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
TP Đà Lạt là đô thị loại I sẽ đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương.
Theo quy hoạch vừa được công bố, Lâm Đồng sẽ được xây dựng, phát triển thành vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; là trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông, du lịch văn hóa – di sản – danh lam thắng cảnh tầm cỡ quốc gia và quốc tế; phát triển đô thị – nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…Phạm vi lập quy hoạch trên toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, gồm 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và 10 huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai.
Quy hoạch định hướng tỉnh Lâm Đồng sẽ có 19 đô thị, trong đó TP Đà Lạt là đô thị loại I, đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương, khu vực tăng trưởng quan trọng của trục kinh tế Nam Tây Nguyên trong khi TP Bảo Lộc là đô thị loại II, là đô thị hạt nhân phía nam tỉnh Lâm Đồng.
Về phân vùng phát triển kinh tế, Lâm Đồng được phân thành 3 tiểu vùng. Trong đó, tiểu vùng 1 gồm TP Đà Lạt và vùng phụ cận (TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà) là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Phân vùng này sẽ phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm. Tiểu vùng 2 là vùng đệm sinh thái, bao gồm huyện Di Linh, Đam Rông và phía tây huyện Lâm Hà. Tiểu vùng 3 là vùng động lực kinh tế phía tây nam của tỉnh, gồm TP Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Về giao thông, ngoài tuyến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt, bản quy hoạch cũng nêu rõ định hướng khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt (dài 84km), đồng thời quy hoạch 6 tuyến đường sắt đô thị bằng monorail phục vụ các tuyến du lịch trên địa bàn Đà Lạt với tổng chiều dài gần 90km. Tuyến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt và đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt cũng là 2 dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của tỉnh.
Các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… của Lâm Đồng cũng được quy hoạch phát triển theo hướng phát huy tốt các lợi thế đặc thù của địa phương và chú trọng tiêu chí “xanh”.
Năm 2014 Thủ tướng đã thông qua quyết định "Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050".
Theo quy hoạch này, TP Đà Lạt sẽ được mở rộng gồm sáu đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Diện tích của vùng Đà Lạt trong tương lai là 335.930 ha, rộng gấp 8,5 lần hiện nay, to hơn cả thủ đô Hà Nội.