Công tác Quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 18/06/2019, 15:40 GMT+7

Ngày 18/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã chủ trì diễn đàn chuyên đề: Công tác Quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là 1 trong 4 chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn BĐSCL năm 2019.

Công tác Quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư vùng ĐBSCL là 1 trong 4 chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn BĐSCL năm 2019.

Diễn đàn là cơ hội quý để tháo gỡ khó khăn cho ĐBSCL

Tại diễn đàn chuyên đề, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, tập trung thảo luận những nội dung quan trọng liên quan đến quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và huy động nguồn lực cho ĐBSCL.

Các đại biểu cũng thảo luận kinh nghiệm, bài học quốc tế về quy hoạch vùng và cơ chế liên kết, điều phối vùng, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của vùng ĐBSCL.

Diễn đàn cũng đánh giá các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hiện nay cho ĐBSCL đã được triển khai thực hiện; làm rõ lĩnh vực, chương trình, dự án cần ưu tiên tập trung bố trí hỗ trợ đầu tư. Từ đó, đề xuất phương án về nguồn lực dành cho vùng ĐSBCL cho giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Diễn đàn chuyên đề là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, nhất là lãnh đạo chính quyền các tỉnh ĐBSCL và các đối tác quốc tế tập trung xem xét một cách thấu đáo, đánh giá toàn diện tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao sau 2 năm ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP. Qua đó, đề ra phương pháp lập quy hoạch vùng có tầm nhìn dài hạn và phù hợp, các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng ĐBSCL; và xây dựng được cơ chế huy động nguồn lực có tính thực tiễn cao để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng ngày càng tốt hơn với các khó khăn thách thức hiện tại”.

Ông Ousmane Dione cho biết: “Thực tiễn từ một số quốc gia nơi mà WB đã hợp tác về các chủ đề này, từ các nước phát triển cho thấy tầm quan trọng của việc gắn kết quy hoạch, điều phối và tài chính. Việc thảo luận về cả ba chủ đề trong một phiên họp có ý nghĩa chiến lược, hy vọng sẽ giúp thống nhất được ý kiến của chúng ta về cách thức kết hợp hiệu quả ba thành tố quan trọng này để đi đến thành công.

Với sự tham gia tích cực của các chuyên gia trong Hội nghị này, phiên họp có thể tạo ra một tác động có ý nghĩa đối với việc xây dựng một ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt trong quá trình triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP”.

ĐBSCL còn nhiều khó khăn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì ĐBSCL là vùng lãnh thổ có vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là nơi sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy hải sản lớn nhất cả nước mà còn là một vùng động lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của BĐKH, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Nhận rõ thách thức trên, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để các địa phương trong Vùng ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai tốt hơn, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường thông qua việc ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hiệu quả về công tác quy hoạch vùng ĐBSCL nhưng đại diện TP Cần Thơ vẫn chỉ ra những hạn chế làm trong công tác lập và quản lý quy hoạch gây khó khăn trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, chất lượng quy hoạch còn thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện nên thiếu tính khả thi. Nhiều quy hoạch bị trùng lặp về nội dung, nhiều quy hoạch liên kết vùng, liên tỉnh được lập nhưng không quy định trách nhiệm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quy hoạch.

Ông Ousmane Dione nhận xét: “Quy hoạch vùng ĐBSCL là một bước đột phá vì cơ hội mà nó tạo ra để biến sự chuyển đổi mô hình phát triển thành hiện thực. Nó cũng cho phép vùng ĐBSCL chuyển từ tình trạng có quá nhiều quy hoạch ngành phân tán và mâu thuẫn sang xây dựng một bản quy hoạch thống nhất, giúp định hướng phát triển cho vùng và xác định các đầu tư ưu tiên”.

Tuy nhiên, để Quy hoạch vùng phát huy hiệu quả, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh ĐBSCL, chính quyền Trung ương, các bên liên quan tại địa phương, khu vực tư nhân, các chuyên gia trong ngành và ban soạn thảo quy hoạch.

“Một quá trình hợp tác và có sự tham gia của nhiều bên liên quan đảm bảo rằng việc xây dựng Quy hoạch vùng sẽ suy xét đến tất cả các yếu tố quan trọng cần chú ý và có liên quan”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

ĐBSCL cần có cơ chế tài chính tương xứng

Qua quy hoạch vùng ĐBSCL, ông Ousmane Dione khẳng định: “Đi đôi với Quy hoạch vùng ĐBSCL cần có cơ chế tổ chức hiệu quả hơn để điều phối vùng, nhằm đảm bảo xây dựng và thực hiện Quy hoạch có hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ hơn trong vùng sẽ giúp phản ánh các ưu tiên chung của 13 tỉnh và thành phố tại ĐBSCL vào bản Quy hoạch”.

Ngoài ra, cơ cấu thể chế cũng cần đảm bảo giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL và có thẩm quyền huy động vốn (Nhà nước và các nguồn khác) để thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trong vùng.

“ĐBSCL cần có nguồn tài chính tương xứng với nhu cầu đầu tư ưu tiên liên tỉnh, cơ chế khuyến khích sự phối hợp và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, bên cạnh hỗ trợ để xây dựng và thực hiện các giải pháp thông minh về khí hậu mang tính đổi mới và chuyển đổi, cũng như giảm thiểu rủi ro. Chúng ta rất cần một cơ chế tài chính toàn diện, giúp khai thông nguồn tài chính công và tư, huy động viện trợ không hoàn lại và vốn ODA để hỗ trợ triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng.

Chúng tôi cần sự ủng hộ của Việt Nam để đảm bảo rằng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn sắp tới, Chính phủ sẽ cam kết tạo ra một cơ chế tài chính toàn diện và vận hành một cơ chế như vậy cho ĐBSCL”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.


Mai Thanh/baoxaydung.com.vn