Bị cách chức vẫn làm bí thư Đảng ủy
Ông Trần Văn Khâm sinh năm 1961. Ông này gắn bó với gang thép Thái Nguyên từ 4/1983 với xuất phát điểm là công nhân tiện - Phân xưởng cơ khí - Xưởng Cơ khí - Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Sau đó, ông Khâm lần lượt trải qua nhiều vị trí khác nhau của Gang thép Thái Nguyên như Phó Tổng giám đốc TISCO, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TISCO, Bí thư đảng ủy TISCO.
Giai đoạn ông Khâm làm Phó Tổng giám đốc TISCO là từ tháng 11/2007 đến tháng 6/2009. Đây là giai đoạn dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 bắt đầu được khởi công xây dựng. Hiện đây là 1 trong 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương.
Ông Trần Văn Khâm. |
Đến tháng 7 năm 2009, ông Khâm lên làm tổng giám đốc và kiêm luôn chức vụ chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này cho đến năm 2013. Đây cũng là giai đoạn dự án này đội vốn khủng, lâm cảnh đắp chiếu, dở dang không lối thoát.
Cụ thể, từ tháng 6/2012 do thiếu vốn, các nhà thầu đã dừng thi công, rút người ra khỏi hiện trường và công trình ngưng trệ từ đó tới nay.
Tháng 5/2013 ông Trần Văn Khâm đã bị miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị, rời khỏi ghế chủ tịch Hội đồng quản trị. Thay thế ông Khâm là ông Vũ Bá Ổn (khi đó đang giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam).
Tiếp đó, hơn hai tháng sau, Hội đồng quản trị TISCO đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc nhiệm kỳ 2014-2019 đối với ông Trần Văn Khâm. Thay thế ông Khâm là ông Hoàng Ngọc Diệp.
Thế nhưng, dù mất 2 chức, ông Trần Văn Khâm vẫn được giữ chức Bí thư Đảng ủy TISCO - đứng đầu một Đảng bộ trực thuộc quản lý của Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Thời gian ông Khâm còn giữ trọng trách ở TISCO, báo chí nhiều lần đưa tin, ngôi biệt thự nhà ông Khâm được UBND TP Thái Nguyên cấp giấy phép xây dựng công trình "nhà ở riêng lẻ" ngày 24/4/2012. Giấy phép chỉ rõ tổng diện tích sàn xây dựng: 420m2, chiều cao công trình: 7m, số tầng được phép xây dựng: 2 tầng.
Tuy nhiên, đến ngày 6/9/2013, UBND phường Trung Thành kiểm tra và phát hiện công trình thi công sai với giấy phép.
Cụ thể, ngôi biệt thự được xây cao 5 tầng với chiều cao 17,1m, tức vượt 3 tầng, cao hơn 10,1m so với giấy phép được cấp. Ngoài ra, một phần công trình còn vi phạm lộ giới đường quy hoạch.
UBND phường Trung Thành lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu gia đình ông này dừng ngay việc thi công và khắc phục kịp thời các vi phạm, đồng thời tháo dỡ toàn phần diện tích xây dựng sai.
Tuy nhiên, tính từ thời điểm đó đến nay hơn 4 năm trôi qua.
Dự án đắp chiếu
Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 khởi công vào năm 2007 đã khiến TISCO rẽ sang con đường gập ghềnh khác. Tổng thầu dự án là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Tổng vốn đầu tư khi đó chỉ là 3.800 tỷ đồng.
Nhưng năm 2007, thời điểm triển khai dự án, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 nổ ra. Giá cả vật tư leo thang, lương tối thiểu tăng nhanh, dự án phải tạm dừng. Đến năm 2009, dự án tái khởi động thì số vốn đầu tư “đội” hơn 2 lần, lên con số 8.100 tỷ đồng.
Sau đó, dự án không tiến triển. Đến 2012 dự án bị dừng lại, dở dang nằm đắp chiếu đến tận bây giờ.
Khi dự án còn đang loay hoay kiếm tiền đầu tư thêm, thì hàng loạt dự án sản xuất thép của các tập đoàn tư nhân trong nước đã đi vào hoạt động, phôi thép nhập khẩu giá rẻ tràn vào. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi ấy, dự án giai đoạn 1 ngày càng tỏ ra “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Trước năm 2013, thị phần thép TISCO chiếm khoảng 13-15%, dẫn đầu thị phần cả nước. Nhưng từ năm 2013, gió bắt đầu đổi chiều. Những nhà sản xuất thép như Hòa Phát, Pomina, Posco SS, Vina Kyoei,... áp dụng “công nghệ mới, hiện đại, chi phí thấp” đã khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Hệ quả là “cánh chim đầu đàn” dần mỏi cánh. Thị phần thép TISCO liên tục bị thu hẹp và giảm từ 15% xuống chỉ còn xấp xỉ 8%, rơi xuống thứ 5 trong toàn ngành thép.