Dựa trên chỉ đạo của UBND thành phố và thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp tại ngân hàng trên địa bàn TP.HCM. Từ khi đơn vị này công bố thông tin thì một số chủ đầu tư bị nêu tên đã có những phản ứng.
Thế chấp ngân hàng là hết sức bình thường
Tại Khoản 1, Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định: Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó, thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng.
Và thực tế, đa phần các dự án bất động sản tại TP.HCM đều được chủ đầu tư thế chấp từng phần hoặc cả dự án. Ông Liên cho biết: “Trong quá trình đầu tư dự án, chủ đầu tư nào cũng cần huy động vốn, thu tiền của người mua trước khi giao nhà. Chính vì vậy mới có con số 77, chứ thật ra hơn 500 dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM đang trong quá trình đầu tư đều phải liên kết với ngân hàng thương mại. Chuyện một hay nhiều dự án thế chấp ngân hàng là hết sức bình thường”.
Ông Liên cho hay, sự cố của dự án Hamona vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người mua cần biết dự án mình mua thuộc diện nào và có bị cầm cố ở ngân hàng hay không. Vì vậy, việc công bố thông tin này nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham giai giao dịch bất động sản.
Căn cứ để công bố thông tin
Theo ông Liên, đây là lần đầu tiên Sở tiến hành công bố thông tin theo Luật Nhà ở nên với tinh thần là vừa làm vừa lắng nghe, cập nhật những yêu cầu của các bên để thông tin công bố ngày càng đúng mong muốn của người dân. Có 2 hình thức cung cấp thông tin là trên web và cung cấp thông tin trực tiếp cho ai có nhu cầu.
Đông đảo khách hàng đang tìm hiểu thông tin khi chủ đầu tư giới thiệu dự án
Ông Liên cũng cho biết thêm, Văn phòng đăng ký đất đai khi cung cấp thông tin với mong muốn đáp ứng các yêu cầu của các bên, nhưng hiện nay đơn vị này chỉ cung cấp dựa vào những gì mình có. Theo đó, Văn phòng dựa vào đơn đăng ký thế chấp, hợp đồng thế chấp, sổ ghi nhận thế chấp của các dự án và đã thể hiện trên danh sách.
Qua việc thế chấp cần làm rõ và phân loại các dự án thế chấp quyền sử đất hoặc thế chấp tài sản gắn liền với đất. Khi bán nhà cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp tài sản là chính căn hộ này khỏi ngân hàng nhằm chống xảy ra chuyện một căn hộ đem thế chấp hai lần.
Thứ hai là nhìn qua danh sách này, việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ đầu tiên dễ dàng hơn, vì chủ đầu tư phải tiến hành giảm trừ số căn hộ đã được giải chấp trên giấy chứng nhận của cả dự án.
Hiện người mua không đủ kiện kiện để tìm hiểu thấu đáo các dự án, nên việc cung cấp thông tin giúp thị trường minh bạch hơn trong giao dịch và thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Theo Cao Cường | Báo Xây Dựng