Cơ quan chức năng tại Tp.HCM không chỉ cho 'hợp thức hóa' phần diện tích sai phạm đối với nhà ở riêng lẻ mà còn 'nương tay' với nhiều dự án chung cư xây sai giấy phép xây dựng.
Nhiều người dân sinh sống tại chung cư Phúc Yên 2 (phường 15, quận Tân Bình) tỏ rõ bức xúc khi chủ đầu tư tự ý thi công thêm tầng căn hộ sau khi người dân đã nhận nhà vào ở ổn định từ hai năm nay. Cụ thể, từ 17 tầng, chủ dự án định cho công trình 'mọc' thêm thành 18 tầng.
Đây là dự án do Công ty CP địa ốc và đầu tư Phúc Yên làm chủ đầu tư. Trong quá trình triển khai, chủ dự án đã nhiều lần xin điều chỉnh, từ chuyển đổi công năng đến tăng tầng, tăng hệ số sử dụng đất và thêm số lượng căn hộ.
Điều đáng nói là tất cả sự thay đổi nói trên đều nhận được sự đồng thuận của UBND quận Tân Bình, tiếp theo là chấp thuận của Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng như sự thống nhất của UBND Tp.HCM và cuối cùng là được Sở Xây dựng bút phê.
Đáng ngạc nhiên là những lần điều chỉnh nói trên dường như người dân không hề hay biết, chỉ đến khi 'sự đã rồi' chủ dự án mới xin ý kiến người dân.
Dự án Tan Binh Tower (tên cũ là Tân Bình Apartment) tại phường 15, quận Tân Bình
(Tp.HCM) tự cơi nới thêm 2 tầng trên 'ngọn' công trình. Ảnh: Tự Trung
Nêu vấn đề về dự án này tại một cuộc họp tổng kết hoạt động sáu tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Bá Thành - PGĐ Sở Xây dựng - cũng khẳng định các quyết định phê duyệt dự án do sở ban hành thực hiện đúng quy định, dựa vào đề xuất của UBND quận Tân Bình cũng như sự đồng ý của Sở Quy hoạch - kiến trúc và UBND Tp.HCM.
Đáng chú ý, dù lúc phê duyệt dự án đã có hợp đồng mua bán, nhưng Sở Xây dựng không nắm được cư dân đã vào ở hay chưa. Trường hợp công trình chưa nghiệm thu mà chủ dự án đã đã đưa cư dân vào ở thì phải chịu trách nhiệm.
Cũng tại Tp.HCM, nhiều dự án khác đều được chấp thuận điều chỉnh công năng, tăng tầng, thêm căn hộ...Trong đó có dự án chung cư Tân Bình Apartment (quận Tân Bình); chung cư Tecco Tower Tham Lương (phường Tân Thới Nhất, quận 12).
Về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng) nhận xét, để xảy ra sai phạm thì lỗi lớn và trách nhiệm vẫn thuộc cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Sơn phân tích, có thể những cán bộ quản lý nhà nước có hành vi tiêu cực trong quản lý, khi kiểm tra phát hiện sai phạm nhưng bỏ qua hoặc xử lý dễ dãi, tiếp tay cho sai phạm, từ đó dẫn đến tình trạng sai phạm tràn lan.
"Việc gì cũng có giới hạn. Đối với những công trình sai phạm quá mức, gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung khu vực như tăng số tầng ảnh hưởng đến mật độ dân số, tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xâm phạm đến đất công cộng... trong khu vực thì nhất định phải cương quyết xử lý, không nhân nhượng", ông Nguyễn Đăng Sơn nói.
Theo Tuổi Trẻ Online