Chế tài mạnh đối với chủ đầu tư sai phạm

Chủ nhật, 04/08/2019, 00:00 GMT+7

Nhà nước cần thu hồi tài sản vi phạm bằng giá trị tiền mặt từ chủ đầu tư cùng với tiền phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư không tuân theo, Nhà nước sẽ tịch thu toàn bộ phần sai phạm đó để sung công phục vụ mục đích công cộng và chủ đầu tư phải có trách nhiệm đền bù toàn bộ số tiền người dân đã bỏ ra mua sản phẩm.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên cả nước thời gian gần đây diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. HCM.

Riêng Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, kiểm tra 10.194 công trình đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 357 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 3.5%.



Chưa xử lý dứt điểm

Theo báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 10.194 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 357 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 3.5%.

Trong đó, 74 trường hợp xây dựng không phép; 116 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 162 trường hợp có các vi phạm khác.

UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 276/357 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 77.3%. Trong đó, cưỡng chế phá dỡ: 48 trường hợp; tự khắc phục 193 trường hợp; hòa giải, bồi thường 01 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng: 34 trường hợp. Bên cạnh đó, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 81 trường hợp.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 569 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 4,5 tỷ đồng.

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã công bố danh sách 43 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015-2016.

Trong danh sách này có sự góp mặt của hàng loạt dự án lớn như tòa nhà 8B Lê Trực của công ty Cổ phần May Lê Trực; Tòa nhà Hòa Bình Green City của công ty TNHH Hòa Bình; Chung cư Mỹ Sơn Tower của công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn.

Một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của Hà Nội là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội cũng bị nêu đích danh vi phạm tại các công trình xây dựng tại các lô E3, E4, E5 khu đô thị mới Cầu Giấy.

Ngoài các dự án cao ốc trên, trong danh sách còn hàng chục công trình nhà ở riêng lẻ, nhà xưởng, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố tồn tại vi phạm trật tự xây dựng mà đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Một số chuyên gia cho rằng để ngăn tình trạng vi phạm chồng vi phạm, không chỉ có thanh tra kiểm tra thường xuyên mà cần phải có những chế tài mạnh hơn đối với những chủ đầu tư có công trình sai phạm.

Cần chế tài mạnh

Theo KTs Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, việc các chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng do xuất phát từ động cơ lợi ích kinh tế. Họ xây dựng thêm tầng để có thêm diện tích sử dụng, phần diện tích đó đối với các dự án sẽ đem bán cho người dân. Các công trình dân dụng thêm tầng để có thêm diện tích sử dụng, còn phần diện tích mặt tiền có thể dùng cho các mục đích khác, như kinh doanh, cho thuê…

Việc xử lý vi phạm trật tự trong thời gian gần đây diễn ra quyết liệt, số lượng công trình vi phạm đã có chiều hướng giảm. Nhưng thực tế, việc xử lý nhiều công trình, đặc biệt với các dự án lớn vẫn còn gặp khó khăn.

Nhất là việc phá dỡ, bởi phương án phá dỡ chỉ hiệu quả khi đang thi công, còn khi đã trở thành một sản phẩm thì nó là tài sản của người dân vì đã được chủ đầu tư bán cho người dân.

Theo KTs Trần Huy Ánh, với những trường hợp này, Nhà nước cần thu hồi phần xây dựng sai phạm, tức là phần sai phạm chủ đầu tư dự định bán 2 tỷ đồng, thì Nhà nước thu hồi 2 tỷ đồng đó của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đối với các công trình cao tầng buộc phải cắt bỏ phần vi phạm, KTs Ánh cho rằng khi thực hiện cần phải xác minh cụ thể kết cấu của công trình. Nếu buộc phải dùng công nghệ để phá dỡ cũng nên thực hiện một cách công khai thông qua biện pháp mời thầu, thậm chí mời các nhà thầu quốc tế.

Trước vấn đề vi phạm trật tự xây dựng ngày càng nghiêm trọng, KTs Trần Huy Ánh hiến kế để xử lý tận gốc tình trạng này.

Thứ nhất, Nhà nước thu hồi tài sản vi phạm bằng giá trị tiền mặt từ chủ đầu tư cùng với tiền phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư không tuân theo, Nhà nước sẽ tịch thu toàn bộ phần sai phạm đó để sung công phục vụ mục đích công cộng và chủ đầu tư phải có trách nhiệm đền bù toàn bộ số tiền người dân đã bỏ ra mua sản phẩm.

Thứ hai, cần phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ quản lý, để không xảy ra tình trạng cấp phép xây dựng theo cơ chế xin – cho, tham ô, tham nhũng trong các thủ tục cấp phép… Cơ quan chuyên trách giám sát chặt chẽ việc thực hiện xây dựng công trình theo đúng giấy phép, theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Đồng thời, cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tập thể nếu để vi phạm và có hình thức kỷ luật phải là cách chức hoặc giáng chức không cho làm công việc đó.

Theo Vnmedia