Thời gian gần đây khu vực mố phía Nam cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hoá) xảy ra hiện tượng sạt lở mạnh. Phần mái kè tứ nón phía hạ lưu sông Mã có nhiều vết nứt lớn kéo dài hàng chục mét, một số điểm sạt sâu cả mét trôi tuột xuống lòng sông.
Tại hiện trường, các rọ đá gia cố bị xô lệch so với vị trí cũ, nhiều viên đá hộc và các lớp vữa bị xé nát, bong tróc, không còn kết dính... Một số khối bê tông dưới đế móng cũng bị đứt gãy, nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện giao thông, nhất là tuyến đường sắt Bắc Nam.
Ngày 27/4, ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa, cho biết nguyên nhân gây tình trạng sạt lở là do nước sông Mã thay đổi dòng chảy.
Có vị trí bị sạt sâu cả mét. Ảnh: Lê Hoàng. |
"Đơn vị đang giao cán bộ trực gác 24/24 để theo dõi diễn biến", ông Minh nói và cho rằng vết sạt trượt tạm thời chưa ảnh hưởng ngay đến an toàn chạy tàu, song mùa mưa lũ đang đến gần nên việc tác động, hư hỏng chân mố là khó tránh khỏi.
Về giải pháp đảm bảo an toàn lâu dài, theo ông Minh cần có dự án kiên cố hoá, dùng cọc khoan nhồi xung quanh chân mố sau đó đổ bê tông giữ ổn định tứ nón, chống xói lở...
Đơn vị quản lý mới duy tu, sửa chữa song hiện tượng hư hỏng, sạt lở mố cầu Hàm Rồng lại tiếp diễn. Ảnh: Lê Hoàng. |
Trước đó tháng 10/2018, tại mố phía Nam cầu Hàm Rồng từng hư hỏng, sạc lở mạnh. Công ty Quản lý đường sắt Thanh Hóa sau đó cho công nhân duy tu, xử lý bằng cách thả rọ đá bao quanh chân khay tứ nón, làm lại nón mố để bảo vệ chân cầu, kè lát mái chống xói lở bờ sông. Công tác sửa chữa hoàn thành cuối năm ngoái song chỉ sau thời gian ngắn, tại đây lại xảy ra nứt gãy, sạt lở.
Vết sạt lở nằm ở mố phía Nam cầu Hàm Rồng. Ảnh: Lê Hoàng. |
Cầu Hàm Rồng do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu bị phá hủy năm 1946, đến năm 1962 mới được xây dựng lại và khánh thành ngày 19/5/1964. Cầu gồm hai nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ôtô và đường dành cho người đi bộ.
Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành (cách vị trí cầu cũ khoảng 500 m), cầu Hàm Rồng chủ yếu phục vụ đường sắt, còn đường bộ ít có phương tiện tham gia giao thông hơn trước.