Sau gần 6 năm xây dựng, trải qua một lần lỡ hẹn khánh thành vì nứt dầm, cầu dây văng nối liền Đồng Tháp và Cần Thơ đã hoàn thành.
Cầu Vàm Cống 5 ngày trước thông xe. Ảnh: Cửu Long.
Ngày 15/5, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư cầu Vàm Cống cho biết, cầu Vàm Cống đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá đủ điều kiện đưa vào sử dụng, dự kiến thông xe vào ngày 19/5.
Theo ông Thi, để bảo đảm chất lượng công trình, ngoài kiểm tra của tư vấn và nhà thầu, chủ đầu tư đã thuê tư vấn độc lập trong nước là Viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải cùng tư vấn quốc tế kiểm định đánh giá, thử tải.
Cầu Vàm Cống dài 2,97 km, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, hai trụ tháp cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn ôtô và hai làn xe máy tách biệt. Đường dẫn vào cầu rộng 20,6 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, cầu Vàm Cống hoàn thành có vai trò đấu nối các tỉnh miền Tây với cả nước, giúp giảm tải cho tuyến quốc lộ 1A thường xuyên tắc nghẽn vào các dịp lễ, Tết.
"Khi cầu đưa vào sử dụng, người dân ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ được hưởng lợi nhiều, các mặt hàng nông sản chủ lực của các tỉnh thành này sẽ được đưa lên TP HCM một cách nhanh nhất", ông Thống nói.
Sau khi cầu thông xe, chủ đầu tư tiếp tục triển khai tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài trên 50 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2020. Tuyến đường này, cùng với cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh, sẽ từng bước hình thành trục dọc phía Tây của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - tuyến kết nối giao thương với Đông Nam Bộ.
Cầu Vàm Cống khởi công ngày 10/9/2013, hợp long 29/9/2017, dự kiến thông xe vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, ngày 4/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn và nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt. Quá trình khắc phục vết nứt đến nay mới hoàn tất.