Cầu đường sắt Bình Lợi mới lại trễ hẹn

Thứ sáu, 19/04/2019, 00:00 GMT+7

Cầu đường sắt Bình Lợi mới được dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 6-2016 nhưng phải dời ngày khánh thành đến tháng 11-2018. Mới đây nhà đầu tư lại tiếp tục đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành cầu đến năm 2020.

Cầu đường sắt Bình Lợi mới với độ tĩnh không cao, đang được xây dựng kế bên cầu cũ - Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thi công ì ạch

Tháng 3-2015, Bộ GTVT công bố danh sách nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án xây mới cầu đường sắt Bình Lợi và đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn - đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương. Liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị xanh - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng STD Việt Nam (liên doanh GUD-STD) là nhà đầu tư dự án này. Dự án xây một cầu xe lửa mới dài 1,3km với tĩnh không 7m (cầu cũ Bình Lợi hiện hữu có tĩnh không 1,5m) tạo thuận tiện cho giao thông thủy. Dự án cũng có một gói thầu nạo vét luồng sông Sài Gòn, bạt mỏm các doi đất nhô ra hai bên bờ sông với chiều dài 71km đoạn từ cầu xe lửa Bình Lợi, TPHCM đến cảng Bến Súc tỉnh Bình Dương.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.302 tỷ đồng. Cầu đường sắt Bình Lợi mới nằm cách cầu cũ 12m về phía hạ lưu. Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận, 1 tháng sau, liên doanh nhà thầu này tổ chức động thổ khởi công dự án rầm rộ. Tuy nhiên, dự án triển khai ì ạch, đến nay còn ngổn ngang, chưa biết ngày hoàn thành. Theo Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, dự án có 18 gói thầu tư vấn và thi công, hiện 2 gói thầu số 7 và 8 chưa thi công. Về vốn thực hiện, chủ đầu tư dự án cho biết, vốn chủ sở hữu là 172 tỷ đồng, đã thực hiện 122,5 tỷ đồng. Vốn tỉnh Bình Dương cho vay không tính lãi 300 tỷ đồng, đã thực hiện 144,7 tỷ đồng. Vốn giải phóng mặt bằng TPHCM đã tạm ứng cho 2 quận Thủ Đức và Bình Thạnh là 95 tỷ đồng.

Lại xin lùi tiến độ

Theo hồ sơ thiết kế, cầu đường sắt mới có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho khổ đường 1,435m, cho phép xe lửa chạy với vận tốc 100km/giờ. Đến nay, dự án xây cầu đã hoàn thành 15 mố cầu, cơ bản hoàn thành việc sản xuất dầm thép, đang hoàn thành công tác thi công trụ tạm, tiến độ đạt 80%. Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 cho biết, cầu đường sắt mới dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30-4. Sau đó, cầu đường sắt cũ có tuổi thọ 117 năm được tháo dỡ, hoàn tất trước ngày 30-6.

Tuy nhiên, cuối tháng 2-2019 của Ban QLDA 7 lại tiếp tục xin điều chỉnh tiến độ dự án và thời gian thi công xây dựng công trình dự án. Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án trong quý 1-2020, trong đó phấn đấu hoàn thành phần cầu trước ngày 30-4-2019, các gói thầu xây lắp khác (hệ thống đường ray, điện chiếu sáng, thông tin tín hiệu) hoàn thành trong tháng 7-2019; thông luồng kỹ thuật gói thầu số 10 trong tháng 12-2019 và hoàn thành các công việc, thủ tục liên quan khác trong quý 1-2020.

Bộ cũng giao cơ quan quản lý chất lượng (thuộc Bộ GTVT) tham mưu các thủ tục điều chỉnh tiến độ thi công tổng thể và tiến độ thi công chi tiết các gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành chung của dự án; chủ trì xác định cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến phải kéo dài tiến độ của từng gói thầu để làm cơ sở xử lý trách nhiệm, thanh toán, quyết toán, xác định các yếu tố tài chính theo quy định của hợp đồng. Ban QLDA 7, nhà đầu tư và Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi nghiêm túc rút kinh nghiệm những yếu kém trong quá trình quản lý thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường dự án và điều chỉnh thiết kế cơ sở trong tháng 4-2019; đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án đúng tiến độ; dự thảo và trình Bộ GTVT phụ lục hợp đồng điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án.

Với việc tiếp tục điều chỉnh như vậy chưa biết đến khi nào dự án mới hoàn thành, đưa vào sử dụng.


Theo SGGP