Ngày 24/7, UBND tỉnh Tiền Giang đã họp với Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, liên quan đến việc đơn vị thi công một gói thầu tại dự án này dừng làm, căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả tiền một ngày trước.
Nhà thầu ngừng thi công, căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả tiền. Ảnh: An Nam. |
Tại buổi họp, đại diện nhiều đơn vị thi công dự án cao tốc cho biết suốt ba tháng qua, Công ty Cổ phần BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không có tiền thanh toán cho họ, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền chi trả lương cho công nhân, mua nguyên, vật liệu.
Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, sau khi tái khởi động dự án từ cuối tháng 3, doanh nghiệp đã tổ chức đánh giá lại năng lực các nhà thầu, chủ động loại những nhà thầu không đủ năng lực. Tuy nhiên, chủ đầu tư lẫn nhà thầu thi công đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn.
Dự án trước đây của Bộ Giao thông Vận tải có tổng mức đầu tư hơn 14.600 tỷ đồng, đến tháng 3 năm nay giao lại cho UBND tỉnh Tiền Giang. Quy mô đầu tư đã được điều chỉnh tăng lên nhưng tháng 6/2017, tổng mức đầu tư lại giảm còn 9.668 tỷ đồng đã cho thấy nhiều bất cập.
Cũng theo chủ đầu tư, Bộ Tài chính, Chính phủ đã có văn bản trình Quốc hội xem xét bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án khoảng 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên chưa thể xác định được kế hoạch bố trí vốn, thời gian giải ngân, làm cơ sở tính toán phương án tài chính điều chỉnh và ngân hàng thẩm định cho vay.
Mặt khác, UBND tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thống nhất một số giải pháp điều chỉnh kết cấu mặt đường và xử lý nền. Ngoài ra, phía ngân hàng cho vay hiện đưa ra các yêu cầu rất khó khăn và chưa phù hợp như mức vốn ngân sách tham gia 20,5%, tương đương 2.500 tỷ đồng; mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 30%, khoảng 3.700 tỷ đồng và chỉ cho vay tối đa 49% tổng vốn đầu tư.
Một đoạn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công. Ảnh: Hoàng Nam. |
Chủ đầu tư cũng đề xuất trong trường hợp ngân hàng không thể thu xếp tín dụng, cần xem xét phương án sử dụng Trạm thu phí TP HCM - Trung Lương để phát hành Trái phiếu Dự án đầu tư, giao cho doanh nghiệp tổ chức thu phí, bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
"Nếu dự án không được rót vốn như cam kết, đến cuối tháng 8, rất có khả năng dự án phải dừng để giảm thiệt hại", ông Hồng nói.
Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND Tiền Giang cho biết, tỉnh đã đăng ký lịch làm việc với Thủ tướng để xin ý kiến về vấn đề điều chỉnh dự án đồng thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn ngân sách tham gia vào dự án.
"Trong thời gian chờ đợi, tỉnh kêu gọi các nhà thầu kiềm chế tránh gây mất an ninh, phối hợp với tỉnh giải quyết khó khăn trước mắt, tinh thần là vẫn sẽ tiếp tục thi công dự án đúng theo tiến độ quy định", ông Dũng nói.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau 10 năm liên tục đình trệ, hiện dự án đạt khoảng 22% tổng khối lượng thi công, tỉnh Tiền Giang đã giải phóng mặt bằng được 98%, khoảng 50 km. Theo dự kiến, cao tốc thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.