Hơn 10 năm trắc trở, nay được gỡ vướng, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được kỳ vọng sẽ giúp ĐBSCL phát triển nhanh
Theo nguồn tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, ngày 22-3, Bộ GTVT mời đại diện tỉnh Tiền Giang ra Hà Nội bàn giao dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về việc xử lý vướng mắc đối với dự án này.
Dự kiến thông tuyến năm 2020
Tối 21-3, tại Hà Nội, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức đại hội cổ đông để triển khai các công tác tiếp nhận, đầu tư và các giải pháp thi công tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (qua tỉnh Tiền Giang).
Đại hội cổ đông triển khai việc tiếp nhận tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại Hà Nội tối 21-3 - Ảnh: CAO TRANG
Theo thông tin tại đại hội, sau hơn 10 năm, dự án mới thực hiện được 15% các hạng mục công trình. Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận - cho rằng nhờ kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc ở dự án cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn nên Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã được Chính phủ và Bộ GTVT tin tưởng chọn làm nhà đầu tư để tiếp quản dự án này. "Chúng tôi sẽ phải thay đổi rất nhiều khi triển khai dự án này. Từ giải pháp thi công đến bài toán về đầu tư, phân bổ tài chính sao cho hợp lý, đặc biệt là sẽ chú trọng hơn mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư" - ông Hồ Minh Hoàng nói.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, các cổ đông, các nhà thầu đã đồng thuận tuyệt đối các phương án đầu tư, các giải pháp thi công đưa ra. Trong 2 tuần tới, chủ đầu tư sẽ tổ chức hội nghị các nhà thầu. Tại hội nghị này, các nhà thầu sẽ nêu ra các vướng mắc từ giải pháp thi công không hợp lý trước đây. Chủ đầu tư sẽ căn cứ thực tế của các nhà thầu để yêu cầu lập nên kế hoạch, giải pháp thi công mới. Đến ngày 30-6 sẽ hoàn thành việc điều chỉnh dự án.
Đây là dự án hợp tác công - tư (PPP) với nguồn vốn thực hiện dự án gần 10.000 tỉ đồng. Trong đó có hơn 2.000 tỉ đồng vốn nhà nước, hơn 2.000 tỉ đồng vốn của nhà đầu tư và số còn lại là vốn vay. Tổ chức tín dụng thực hiện việc cho vay để triển khai dự án này là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.
Nhà đầu tư sẽ đổ về ĐBSCL
Theo thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc do Văn phòng Chính phủ vừa công bố, dự án bị chậm tiến độ do gặp vướng mắc trong việc huy động vốn; do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư đối tác công - tư cũng như năng lực của nhà đầu tư dự án. Kết luận tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT, các bộ - ngành liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để thông tuyến vào cuối năm 2020.
Thường trực Chính phủ yêu cầu: Tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài. Chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang.
UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện dự án rà soát lại phương án tài chính của dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương (do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công) sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước, bảo đảm phương án hoàn vốn của dự án không quá 15 năm.
Yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, kết luận, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vi phạm của Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (nếu có). Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh là 1 trong 6 nhà đầu tư của dự án, chiếm 30% vốn đầu tư, hiện dính líu đến nhiều vụ án hình sự.
|
Một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết dự án được triển khai do tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trên Quốc lộ 1. Thế nhưng, 10 năm đã trôi qua, dự án này vẫn chưa hoàn thành. Cứ ngày nghỉ cuối tuần, trên Quốc lộ 1 có ít nhất 6-8 điểm ùn ứ xe như khu vực An Hữu, An Cư, Cổ Cò (huyện Cái Bè), Long Định, Cầu Rượu (huyện Châu Thành)…
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, ngày 22-3, Bộ GTVT mời đại diện tỉnh Tiền Giang ra Hà Nội bàn giao dự án. Khi giao dự án cho tỉnh, Chính phủ đã chỉ đạo rõ nguồn vốn, tỉnh sẽ gặp nhiều thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ. "Biết Thủ tướng chỉ đạo giao dự án cho tỉnh, chúng tôi rất phấn khởi vì người dân sẽ không còn kẹt xe nữa khi dự án hoàn thành" - ông Bon nói.
Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng hiện nay, điểm nghẽn của ĐBSCL là hạ tầng giao thông rất yếu. Về đường thủy thì luồng sông Hậu chỉ cho tàu khoảng 10.000 DWT vào, tàu vận tải lớn hơn không vào được. Vì vậy, một lượng hàng hóa lớn phải đưa lên TP HCM bằng đường bộ rất tốn kém. Trong khi đó, đường bộ còn nhiều nút thắt, từ Cần Thơ đi TP HCM khoảng 200 km nhưng phải đi từ 3-4 giờ. Chính điều này làm nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, rất ngán ngại khi vào Cần Thơ và các tỉnh trong vùng đầu tư.
"Vì vậy, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần hoàn thành càng sớm càng tốt. Đây là điều kiện cần thiết để giúp lưu thông hàng hóa nhanh chóng giữa ĐBSCL với TP HCM. Ngoài ra, điều quan trọng hơn, khi có đường cao tốc này, chắc chắn doanh nghiệp sẽ đổ bộ vào vùng tìm hiểu cơ hội đầu tư" - ông Trần Quốc Trung nhận định.
Cả ĐBSCL thu ngân sách bằng Bình Dương
Ngày 21-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phát triển thị trường các nhóm ngành hàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh CPTPP mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng ĐBSCL. Doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTPP được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng ĐBSCL có nhiều "điểm nghẽn" chưa thể cất cánh. Cả vùng có 13 tỉnh, thành nhưng thu ngân sách chỉ bằng tỉnh Bình Dương (khoảng 50.000 tỉ đồng). Cơ sở hạ tầng trong vùng như đường bộ, đường thủy còn yếu kém. Cả vùng chỉ Cần Thơ có 2 và Cà Mau có 1 khách sạn 5 sao, chỉ Cần Thơ đáp ứng được việc tổ chức các hội nghị, sự kiện quốc tế quy mô lớn. Nếu không cải thiện hạ tầng giao thông, logistics thì vùng ĐBSCL khó thu hút đầu tư.
C.Linh
GÓC NHÌN
Vực dậy kinh tế toàn vùng
ĐBSCL là khu vực trù phú, đất đai màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi nhưng kinh tế kém phát triển do giao thông đường bộ bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, mà đã có thời kỳ nhiều tỉnh trong khu vực được coi như những ốc đảo biệt lập.
Vài năm trở lại đây, đã có nhiều dự án xây dựng cầu lớn thay thế dần những chuyến phà như cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Cổ Chiên, cầu Trung Lương, cầu Vàm Cống... cải thiện phần nào về thời gian di chuyển. Nhưng cũng chỉ là giải quyết được vướng mắc ùn ứ mang tính cục bộ, Quốc lộ 1 vẫn là con đường huyết mạch nối liền TP HCM với các tỉnh trong khu vực song lại hẹp và đã xuống cấp nhiều nơi, không còn đáp ứng được nhu cầu.
Theo kế hoạch, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với điểm đầu nối với đường cao tốc Trung Lương - TP HCM hiện hữu thuộc tỉnh Tiền Giang với điểm cuối là phía Bắc cầu Cần Thơ thuộc tỉnh Vĩnh Long. Xét chung trong các dự án về giao thông thời gian gần đây, dự án đấu nối đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể coi là một dự án mang tầm chiến lược. Nó vừa giúp rút ngắn thời gian hành trình từ trung tâm kinh tế lớn nhất miền Nam - TP HCM tới các tỉnh thuộc ĐBSCL vừa là tiền đề tạo sự phát triển chung cho toàn bộ khu vực với lợi thế về đất đai, thiên nhiên và cả con người.
Khi giao thông được kết nối thuận lợi, trong tương lai sẽ là điểm đến hấp dẫn không những của ngành du lịch, nông thủy sản mà còn là điểm đến hấp dẫn của những nhà đầu tư trong các ngành công nghiệp khác.
Hiện nay, các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL hầu như đều có các KCN, cụm công nghiệp nhưng thực sự vẫn chưa phát triển như những tỉnh thành khác trong khu vực là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tất cả cũng bắt nguồn từ giao thông khó khăn, cản trở phần nào sự hấp dẫn đầu tư. Nếu dự án này hoàn thành, tương lai gần, sẽ có thể thu hút được sự đầu tư tiếp theo với các dự án đường cao tốc khác nối trung tâm Cần Thơ tỏa ra các tỉnh lân cận trong khu vực; giải tỏa sự ách tắc nhiều năm nay đối với cả khu vực do điều kiện địa hình địa lý mang lại.
Hy vọng với sự quyết tâm cao của Chính phủ lần này, những khó khăn sẽ được tháo gỡ để dự án mà người dân khu vực ĐBSCL đang trông đợi hằng ngày, hằng giờ sớm được đưa vào khai thác, góp phần đưa kinh tế của cả khu vực đi lên.