Cẩn trọng dư thừa nguồn cung bất động sản

Thứ hai, 09/01/2017, 08:26 GMT+7

Tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ Xây dựng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra cảnh báo: Thời gian qua có tình trạng đầu tư rất mạnh vào đô thị, cần hết sức thận trọng vì nó gắn liền với BĐS. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ có bong bóng BĐS, dư thừa nguồn cung.

Kiểm soát chặt thị trường BĐS
Tại hội nghị, ngoài việc biểu dương một số kết quả, nỗ lực của ngành xây dựng, Phó thủ tướng cũng đã chỉ ra không ít những hạn chế, tồn tại của ngành và yêu cầu phải khắc phục tối đa trong năm 2101.

Phó thủ tướng cho rằng, thị trường BĐS hiện đang có biểu hiện lệch pha cung cầu, trong đó xu hướng ngày càng tăng lên. Những sản phẩm có giá trung bình, giá cao đang được các chủ đầu tư tập trung phát triển, trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp ít được quan tâm đầu tư, nhất là tại các đô thị.

Trước thực tế đó, Phó thủ tướng chỉ đạo ngành xây dựng phải tập trung quản lý và hướng thị trường phát triển theo đúng nhu cầu của người dân, của nền kinh tế, không phải phát triển BĐS với bất kỳ giá nào để tạo ra những sản phẩm không có người mua hoặc vượt quá xa khả năng thanh toán của người dân. Phải coi phát triển nhà ở xã hội là trọng tâm.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải kiên trì các giải pháp kiểm soát thị trường BĐS

Trong năm 2017, Bộ Xây dựng cần tập trung vào phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở xã hội đô thị hiện đang rất thiếu; nhà ở cho người nghèo ở nông thôn, cho người có công…

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại trong an toàn công trình xây dựng, chất lượng các dự án, vấn đề cháy nổ. Thất thoát lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều công trình khiến cho giá BĐS tăng cao. Nhất là công tác quản lý đô thị còn nhiều lúng túng, trong đó hiện vẫn rất thiếu vai trò như một nhạc trưởng, một đốc công trong lĩnh vực quản lý đô thị.

can-trong-du-thua-nguon-cung-bat-dong-san
Phó thủ tướng cho rằng, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ
có bong bóng BĐS, dư thừa nguồn cung

Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2017 và những năm tới đây, Bộ Xây dựng phải hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để rà soát lại tất cả quy hoạch xây dựng, cập nhật, lập mới các quy hoạch, cụ thể hóa các quy hoạch trên cơ sở tình hình thực tiễn, dự báo tương lai, cầu của thị trường.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các đô thị lớn để có giải pháp đồng bộ khắc phục ùn tắc giao thông.

Theo Phó thủ tướng, cần tính toán một cách tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, làm sao phối hợp các địa phương có sự phát triển tốt trong vùng, tạo ra những đô thị hấp dẫn hơn, tạo ra nhiều việc làm tại các đô thị đó, từ đó hạn chế dòng người di chuyển đến các đô thị trung tâm.

Đối với Hà Nội và Tp.HCM, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp hạ tầng thì phải phát triển các khu đô thị vệ tinh, kết nối giao thông tốt, phù hợp với nhu cầu của người dân.

Lộ nhiều lỗ hổng trong quy hoạch
Từ những đánh giá của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, quy hoạch thời gian qua tại đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM bộc lộ nhiều khiếm khuyết, lỗ hổng.

Bộ trưởng cho biết, làm quy hoạch không tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Đô thị hóa là quá trình tất yếu của nhiều quốc gia. Nhưng nếu cơ quan quản lý không tính toán quy hoạch tốt, hạ tầng giao thông đảm bảo, vấn đề bảo vệ môi trường sẽ phải trả giá đắt.

Ông Hà khẳng định: "Làm đô thị phải có nguồn lực. Nguồn lực ta đang hạn chế. Chúng ta phải lựa chọn cái gì làm trước để tránh trả giá”.

Về vấn đề giảm ách tắc nội đô bằng việc di chuyển trường học, nhà máy, bệnh viện, trụ sở bộ ngành ra ngoại thành, Bộ trưởng Hà băn khoăn: “Chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn về phương án này xem có xung đột với nhau không? Việc đưa bệnh viện, trường học ra ngoài nhưng người dân vẫn phải di chuyển từ nhà đến đó. Nếu không giải toả được xung đột sẽ không xử lý được vấn đề”.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS cho biết, trong năm 2017, cơ quan này sẽ tổ chức kiểm tra một số dự án BĐS, nhà ở lớn trong cả nước.

Theo Vneconomy