Sân golf, khu công viên trò chơi, kho chứa contairner… là các dự án điển hình hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu hụt quỹ đất ở tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Bất động sản dân cư chỉ chiếm khoảng 6,9% diện tích đất tại Hồng Kông năm 2016, theo số liệu mới nhất của Uỷ ban Đất đai Hồng Kông. Mặc dù vậy, đây là khu vực có mật độ xây dựng dày đặc bậc nhất trên thế giới, khi 3/4 diện tích đất đai đã được phủ kín bởi các công trình.
Bên cạnh đó, chính quyền Hồng Kông đang đối mặt với bài toán khó khi nguồn cung hạn chế đẩy giá nhà lên cao ngất ngưởng, khiến Hồng Kông trở thành thành phố có mức chi phí đắt đỏ bậc nhất thế giới, trong khi các biện pháp như đánh thuế, hạn chế cho vay bất động sản không đủ sức làm nguội thị trường này.
Trong bối cảnh này, giới chức Hồng Kông lựa chọn việc kiểm soát chặt quỹ đất còn lại nhằm phục vụ các dự án bất động sản dân cư, thay vì các công trình kinh doanh khác. Tuy nhiên, điều này đồng thời cũng gây nên các cơn sốt đất “nhân tạo”, khiến giá đất càng bị đẩy lên cao hơn.
Dự án xây dựng tại công viên thành phố
Một trong những dự án đang bị trì hoãn vì không tiếp cận được quỹ đất là lời đề nghị xây dựng các công trình nhà ở tại khu vực ngoại ô của công viên thành phố, vốn chiếm gần 42% diện tích đất tại đây. Dù Hiệp hội Nhà ở Hồng Kông đã đánh giá dự án này là khả thi nhưng chính quyền thành phố này vẫn chưa đưa ra quyết định rõ ràng.
Paul Zimmerman, CEO của Designing Hong Kong, tập đoàn tư vấn luật cho rằng, kế hoạch này ảnh hưởng tới sức mạnh đặc biệt của Hồng Kông, khi xâm phạm tới khu vực tự nhiên hiếm hoi còn tồn tại ở thành phố này.
“Khu công viên cần được đối xử như một loại tài sản đặc biệt và chúng tôi tin rằng dự án này rất nguy hiểm, Paul Zimmerman cho biết.
Sân golf và Disneyland
Hong Kong Golf Club, đi vào hoạt động từ năm 1911, trên diện tích 172 ha tại Fanling là một trong những đối tượng có nguy cơ bị xóa sổ nếu chính quyền Hồng Kông không gia hạn hợp đồng cho thuê đất vào năm 2020. Nếu trường hợp này xảy ra, sân golf với bề dày lịch sử này sẽ được thay thế bằng 13.200 căn hộ, phần nào giải tỏa cơn khát nhà đất tại Hồng Kông.
Bên cạnh đó, viện nghiên cứu Global Institute for Tomorrow đưa ra đề xuất, dành 60 hecta từ việc mở rộng Hong Kong Disneyland để xây dựng nhà ở cho khoảng 39.000 hộ gia đình. Bởi thực tế, Disneyland Hong Kong đang kinh doanh đi xuống, với 3 năm thua lỗ liên tiếp.
Đất nông nghiệp
Sun Hung Kai Properties Ltd, Henderson Land Development Co, New World Development Co và CK Asset Holdings Ltd hiện đang sở hữu hơn 1.000 ha đất nông nghiệp không được sử dụng. Với số lượng đất này, các nhà phát triển bất động sản có thể xây dựng 500.000 căn hộ mới trong 25 năm tới, theo CLSA Ltd.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản cho biết, chính quyền Hồng Kông đánh thuế rất cao việc chuyển đất nông nghiệp sang đất sinh sống. Do đó, chỉ có một sự lựa chọn để thúc đẩy nguồn cung nhà tại Hồng Kông, đó là chính quyền giảm thuế, hỗ trợ việc xây dựng đường xá, nguồn nước và các hạ tầng dịch vụ khác, trong khi các nhà phát triển bất động sản tập trung xây dựng nhà ở với giá cả phù hợp.
Bến cảng
Hồng Kông sở hữu các cảng biển bận rộn bậc nhất trên thế giới. Trong bối cảnh thiếu hụt đất cho dân cư, chính quyền thành phố này đnag có ý tưởng dịch chuyển trạm container Kwai Tsing rộng 390 ha ra một khu vực cách trung tâm thành phố 8 dặm về phía Bắc. Tuy nhiên, các vấn đề về đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng chi phí di chuyển đang là bài toán khó cần chính quyền Hồng Kông tháo gỡ.
Theo Đầu tư Bất động sản