Bốn dự án 9.400 tỷ khánh thành trong tháng 10 ở Hà Nội

Thứ sáu, 12/10/2018, 13:58 GMT+7
Bốn dự án 9.400 tỷ khánh thành trong tháng 10 ở Hà Nội

Đường Hòa Lạc (Hà Nội) đến TP Hòa Bình là dự án đầu tiên được thông xe vào đúng ngày giải phóng Thủ đô 10/10. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng; điểm đầu tại Km6+680, tách đường Hòa Lạc - Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; điểm cuối tại Km32+367 (xã Trung Minh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Tuyến đường dài 25,69 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, có vận tốc tối đa 80 km/giờ. Tuyến mới này sẽ giúp hành trình từ Hà Nội tới Hòa Bình rút ngắn khoảng 20 km so với đi trên quốc lộ 6.

Đường Hòa Lạc - Hòa Bình 2.700 tỷ đồng nhìn từ trên cao.

Cùng ngày 10/10, Bộ Giao thông Vận tải phát lệnh thông xe cầu Văn Lang bắc qua sông Hồng. Dự án có điểm đầu kết nối với quốc lộ 32 thuộc xã Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội), điểm cuối giao với quốc lộ 32C thuộc phường Thọ Sơn (TP Việt Trì, Phú Thọ). Chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu cầu là 9,4 km, trong đó cầu vượt sông dài 1,5 km.

Dự án cầu Văn Lang có tổng mức đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ đầu tư. Để hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư đã dựng trạm thu phí tại xã Phú Cường (Ba Vì, TP Hà Nội), mức phí thấp nhất với ôtô là 35.000 đồng, thời gian thu phí 19 năm 10 tháng.

Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên được thông xe vào ngày 11/10 với tổng mức đầu tư gần 312 tỷ đồng. Cầu dài 271 m, rộng 10 m. Cũng nằm trong dự án xây cầu vượt này, Hà Nội cũng điều chỉnh kết cấu đê Hữu Hồng với chiều dài khoảng 1,1 km, thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông cốt thép đảm bảo an toàn chống lũ.

Việc khánh thành cầu vượt An Dương giúp xóa bỏ điểm ùn tắc tại nút giao An Dương - Thanh Niên, rút ngắn thời gian đi sân bay Nội Bài.

Một trong những công trình lớn đã hoàn thiện và và dự kiến khánh thành vào ngày 13/10 là Nhà máy nước mặt sông Đuống nằm trên huyện Gia Lâm. Dự án được khởi công tháng 3/2017 và có quy mô lớn nhất miền Bắc. Tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 5.000 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành với công suất 150.000 m3 nước mỗi ngày đêm. Giai đoạn hai công suất đạt 300.000 m3 sẽ được xây lắp xong vào cuối năm 2019. Giai đoạn ba đến năm 2025, quy mô cấp nước của nhà máy sẽ đạt công suất từ 600.000 m3 đến 900.000 m3. Ảnh: Nhật Quang

Khi đi vào vận hành, nhà máy đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam thành phố, các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179 và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…). Ảnh: Võ Hải

Toàn cảnh nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc. Video: Nhật Quang

vnexpress.net