Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời chất vấn nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Phần trả lời của Bộ trưởng được bắt đầu từ 14h25 chiều 04/6 và kết thúc vào 9h sáng 05/6.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời chất vấn nhiều nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
Sau 2 phiên trả lời chất vấn, các vấn đề liên quan đến Quản lý thị trường BĐS, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel); công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; việc di dời trụ sở Bộ, ngành khỏi nội đô các TP lớn… đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà diễn giải cụ thể.
Cần nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch
Chiều 04/6, có 39 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết:
Về tổ chức quản lý đô thị, trong những năm qua quá trình đô thị hóa của đất nước diễn ra nhanh chóng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân đô thị ngày một được nâng cao. Tuy nhiên việc phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, như vẫn tồn tại những khu đô thị không người ở như đại biểu nêu.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại là do yếu kém về chất lượng quy hoạch còn thấp, một số quy hoạch dự báo chưa đúng tốc độ, tình hình phát triển,... dẫn đến tính toán sai các chỉ tiêu hạ tầng, cấu trúc đô thị. Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức xây dựng có những điểm lạc hậu... Việc tổ chức thực hiện quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế... Dẫn đến tình trạng xây dựng nhiều nhà cao tầng nội đô, xây dựng khu đô thị không đi kèm hạ tầng...
Trách nhiệm của Bộ Xây dựng là tham mưu, hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời; chưa thực sự phối hợp quản lý, đôn đốc các địa phương; chậm thực hiện, một số nội dung thực hiện chưa hiệu quả một số nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao; còn bộ phận cán bộ chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân...
Về giải pháp, thời gian tới cần nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác quản lý, công khai quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện, giám sát; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm...
Về xử lý vi phạm trật tự xây dựng, Bộ trưởng cho biết, những năm qua vi phạm về xây dựng (xây dựng không phép, sai phép,...) đã giảm dần song vẫn còn ở mức cao và đây cũng là vấn đề gây ra những lệch lạc trong xây dựng làm nhân dân và cử tri bức xúc. Nêu nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ tham mưu hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức quản lý đô thị... để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực này.
Về xử lý tòa nhà 8B Lê Trực, vụ vi phạm ở Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ, 2 vụ việc này thuộc trách nhiệm của TP Hà Nội. Về mặt kỹ thuật, việc phá dỡ thành phần công trình vi phạm có liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho công trình, các đơn vị của Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với Hà Nội nếu được yêu cầu.
Sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn xây dựng trong năm 2019
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc ban hành chậm hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong năm vừa qua Bộ Xây dựng đã dần dần hoàn thiện được bộ quy chuẩn.
Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, bộ tiêu chuẩn bộc lộ những thiếu sót. Cụ thể, về hệ thống bộ quy chuẩn còn phân tán ở nhiều quy chuẩn khác nhau, bị trùng lặp giữa các ngành. Ngoài ra, một số quy chuẩn đã lạc hậu. Bộ trưởng lấy ví dụ như về kiểm soát dân số, hạ tầng chưa được cập nhật.
Ngoài ra, việc áp dụng bộ chuẩn tiêu chuẩn cũng còn thể hiện sự tùy tiện của các cơ quan lập và thẩm định dự án. Bộ trưởng cho biết sẽ bổ sung những thiếu sót, sửa đổi những tiêu chuẩn và quy chuẩn đã lạc hậu.
“Trong năm 2019 Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi 4 quy chuẩn liên quan đến đầu tư xây dựng đô thị đó là: Quy chuẩn quy hoạch đô thị, nhà ở, cơ sở hạ tầng và phòng cháy chữa cháy. Đồng thời Bộ sẽ rà soát 62 quy chuẩn nữa”, Bộ trưởng Hà nói.
Về việc xây dựng các quy định quản lý đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch (condotel), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan, ban hành quy chế quản lý vận hành đến các loại hình BĐS mới (condotel, officetel…).
Bộ trưởng đảm bảo quá trình này sẽ được hoàn tất trong năm 2019, đồng thời cho biết, Bộ TN&MT sẽ có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất với các công trình xây dựng condotel hoặc condotel kết hợp nhà ở.
Thanh tra, xử lý dứt điểm việc phá vỡ quy hoạch
Nêu thực trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: “Nhìn chung, hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị đã được ban hành khá đồng bộ, tương đối kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, cơ bản phù hợp với các thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; tạo được khung hành lang pháp lý phục vụ đầu tư phát triển đô thị, đầu tư xây dựng công trình, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”.
Chất lượng quy hoạch tuy ngày càng được nâng cao hơn nhưng nhìn chung còn thấp. Một số quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…).
Để xử lý dứt điểm vấn đề này, Bộ trưởng Hà cho biết: “Trong năm nay cũng như sang năm, Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp cho thanh tra một số quy hoạch chi tiết, đặc biệt là tại trung tâm một số đô thị lớn”.
Tái cơ cấu thị trường BĐS, gắn với chiến lược nhà ở quốc gia
Trả lời về những vấn đề liên quan đến thị trường BĐS, Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp giúp bình ổn thị trường. Theo đó, cần có các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững; có các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tình trạng đầu cơ, ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, kiếm lợi;
Tiếp tục hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, nhất là hỗ trợ về tín dụng và quỹ đất; giảm thiểu sự mất cân đối giữa các phân khúc BĐS; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về BĐS; rà soát việc hình thành các chung cư, khu dân cư tự phát, xử lý các khu dân cư, khu đô thị bỏ hoang, đã thu hồi đất nhưng không triển khai;
Thực hiện các biện pháp phù hợp để xử lý các chung cư cũ, xuống cấp bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà đầu tư; phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc kiểm soát, hạn chế việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Tiếp tục rà soát, khắc phục những tồn tại
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Bộ trưởng đã bao quát một cách toàn diện các nội dung thuộc lĩnh vực được chất vấn, nắm vững tình hình, thực trạng và trả lời hầu hết những vấn đề đại biểu nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế của ngành”.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh BĐS. Các quy đinh liên quan đến kinh doanh, quản lý nhà chung cư bảo đảm đồng bộ thống nhất và phù hợp với thực tiễn.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra giám sát công tác quy hoạch, quản lý để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong quản lý thị trường BĐS, quản lý trật tự đô thị, chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại trong quản lý xây dựng, trong quản lý, vận hành nhà chung cư…