Bộ Nội vụ yêu cầu trình phương án sáp nhập huyện, xã trong tháng 5

Thứ ba, 26/03/2019, 17:54 GMT+7

Sáng 26/3, tại hội nghị triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho hay, công việc này sẽ thực hiện trong hai giai đoạn.

Năm 2019, Chính phủ tập trung hoàn thiện quy định pháp luật liên quan và sắp xếp các huyện, xã có diện tích, quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định; kiện toàn tổ chức, nhân sự. "UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể về sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã đến Bộ Nội vụ trước tháng 5/2019", ông Hùng nói.

Giai đoạn tiếp theo, chậm nhất trong quý 1 năm 2020, các tỉnh, thành phải hoàn thành sắp xếp để tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị mới hình thành (các huyện, xã vừa được chia tách hoặc sáp nhập).

Đề cập đến việc mở rộng Hà Nội cách đây 10 năm, Phó bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nói, khó khăn nhất trong quá trình sắp xếp là giải quyết chính sách cán bộ do sau sáp nhập thì bộ máy sẽ dôi dư người. 

Phó bí thư TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu sáng 26/3. Ảnh: HT

Phó bí thư TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu sáng 26/3. Ảnh: HT

Theo bà Hằng, kinh nghiệm của Hà Nội là... giảm dần cán bộ. Như Sở Văn hoá Thể thao Du lịch lúc mới mở rộng thủ đô có 13 phó giám đốc, giảm dần sau 5 năm về đúng số lượng theo quy định là 3. 

"Chúng tôi đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn cơ chế đặc thù cho cán bộ dôi dư sau hợp nhất huyện, xã để bảo đảm giữ ổn định về tư tưởng, yên tâm công tác", bà Hằng nói. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn để địa phương thực hiện.

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, nguyên tắc sắp xếp cán bộ đợt này phải gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ; các địa phương cần tránh việc hợp nhất cán bộ, công chức cấp xã mang tính cơ học, vì rất khó bố trí, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo.

"Khi sáp nhập phải rà soát, đánh giá, phân loại để sắp xếp. Ai đủ điều kiện thì tiếp tục bố trí. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này cũng đã tính đến đội ngũ dôi dư, với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì giải quyết theo tinh giản biên chế", ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Nội vụ cũng nêu rõ, theo quy định hiện hành, những người không đủ điều kiện ứng cử thì nghỉ chờ hưu; trường hợp khó sắp xếp thì tạo điều kiện cho người đủ điều kiện dự tuyển vào các cơ quan từ cấp huyện trở lên.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: HT

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: HT

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh đến việc các địa phương chủ động sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn, với trường hợp đặc thù thì Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn.

Khi sáp nhập huyện, xã, lãnh đạo cấp tỉnh cần cân nhắc truyền thống lịch sử, văn hoá địa phương, đảm bảo ổn định và phát triển. "Chúng ta không triển khai chủ trương này bằng bất cứ giá nào, trong quá trình sắp xếp chú trọng việc tạo thuận lợi trong chuyển đổi giấy tờ và ổn định cuộc sống cho người dân", ông nói. 

Chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.

Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.

Hiện có khoảng 16 quận, huyện và 631 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn. 


vnexpress.net