Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bố công khai thông tin nhà thầu vi phạm hợp đồng, đặc biệt đối với các nhà thầu không hoàn thành hợp đồng theo quy định; thay thế nhà thầu trong trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng…
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong công tác đấu thầu, ký kết, quản lý hợp đồng và chế tài xử lý vi phạm hợp đồng của nhà thầu xây lắp.
Theo Bộ GTVT, những năm qua, nhà thầu thi công xây dựng các dự án giao thông đã phát huy được vai trò trong hoạt động xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần tạo nên các công trình có quy mô lớn, chất lượng cao như: Các công trình cầu, đường bộ cao tốc, bến cảng, sân bay, nhà ga... trong phạm vi cả nước, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách giữa các vùng miền và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm và công bố công khai thông tin nhà thầu vi phạm hợp đồng
Đánh giá các nhà thầu thi công xây lắp nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên Bộ GTVT cho rằng, tại một số gói thầu, nhà thầu còn chậm tiến độ, thi công chưa đáp ứng chất lượng dẫn đến xuất hiện những hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình sau khi đưa vào sử dụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Tình trạng trên một phần do ý thức, trách nhiệm của nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng, phần khác do chưa có đầy đủ chế tài cảnh cáo, xử phạt nhà thầu đủ mạnh và kịp thời để chủ đầu tư ngăn ngừa, xử lý những rủi ro không mong muốn.” - Bộ GTVT thông tin.
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong công tác đấu thầu, đặc biệt trong việc ký kết, quản lý hợp đồng và chế tài xử lý vi phạm hợp đồng của nhà thầu xây lắp, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thực hiện nghiêm Chỉ thị số 494/2010 và Chỉ thị số 13/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Nghiêm cấm sử dụng lao động nước ngoài thực hiện công việc mà lao động trong nước có khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu, đặc biệt là lao động phổ thông, lao động không qua đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ.
Chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải nghiên cứu triển khai Chỉ thị số 01/2013 của Bộ GTVT về tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ liên quan đến hoạt động quản lý, thực hiện dự án, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực.
“Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu của cá nhân, tổ chức, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Nghị định số 50/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan.” - Bộ GTVT khẳng định.
Bộ GTVT cũng lưu ý các đơn vị về điều kiện hợp đồng phải thỏa thuận cụ thể về các chế tài xử lý vi phạm hợp đồng về trường hợp áp dụng, trình tự, thủ tục giải quyết; trong đó lưu ý một số quy định liên quan đến xử phạt, bồi thường để áp dụng trong hoạt động xây dựng. Các đơn vị phải thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm hợp đồng đối với các hành vi chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng vật tư, vật liệu, công trình, an toàn thi công xây dựng, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu tăng cường, nâng cao năng lực, nhận thức của nhân sự chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong công tác quản lý hợp đồng nói chung và quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình nói riêng, đảm bảo tuân thủ các điều khoản quy định trong hợp đồng, chỉ dẫn kỹ thuật và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình Bộ GTVT quyết định bổ sung, thay thế nhà thầu trong trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng theo quy định.
Trong quá trình quản lý, thực hiện hợp đồng, cần xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bố công khai thông tin nhà thầu vi phạm hợp đồng, đặc biệt đối với các nhà thầu không hoàn thành hợp đồng theo quy định để cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu khác biết, sử dụng thông tin trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu. Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công do Bộ GTVT quyết định đầu tư, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án gửi thông tin nhà thầu không hoàn thành hợp đồng để đăng tải công khai.