Theo báo cáo của Sở Xây dựng, huyện Bình Chánh luôn dẫn đầu danh sách quận huyện có số trường hợp xây dựng không giấy phép tại TP HCM. 6 tháng đầu năm 2017, Bình Chánh có 201/830 trường hợp xây dựng không phép của TP HCM. Địa bàn xã Vĩnh Lộc B cũng là một trong những xã của huyện Bình Chánh đang là điểm nóng của xây dựng không phép.
Hàng chục căn nhà không phép trên đất nông nghiệp đã hình thành là hậu quả của việc buông lỏng quản lý của chính quyền xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Chu Tuấn
“Xẻ thịt” đất nông nghiệp
Từ nguồn tin của bạn đọc, PV đã thâm nhập, xác minh những thông tin liên quan tới tình hình xây dựng không phép, sai phép; xây dựng trên đất nông nghiệp tại địa bàn huyện Bình Chánh.
Xã Vĩnh Lộc B từ lâu được xem là điểm nóng của tình trạng phân lô nền và xây dựng trái phép, tình trạng này không những không giảm mà thời gian gần đây, khi thị trường nhà đấtnóng lên, nó có xu hướng diễn ra tinh vi hơn.
Theo ghi nhận, PV phát hiện hàng nghìn m2 đất nông nghiệp trên địa bàn xã này được biến hóa dưới tay đầu nậu đất. Nhà không phép trên đất nông nghiệp mọc lên ngăn nắp, thành hàng như dự án khu dân cư hoàn chỉnh. Nhưng thực tế, toàn bộ những căn nhà đều là xây dựng không phép trên đất nông nghiệp; hạ tầng, đường trải đá mi khá rộng rất bài bản nhưng cũng do đầu nậu tự làm trên đất nông nghiệp không được chính quyền cho phép…
Tại khu vực phân lô này, có một đặc điểm rất dễ nhầm lẫn. Một bên là dự án khu dân cư hiện hữu (đúng quy định). Một bên là khu dân cư “trá hình” được đầu nậu tự bỏ tiền ra mở các con đường trên đất nông nghiệp rồi kết nối với hạ tầng sẵn có. Nếu không quan sát kỹ thì chắc chắn sẽ không nhận ra được khu vực này là những dự án phân lô nền tự phát.
Theo hồ sơ chúng tôi thu thập, khu vực này là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Đã có 1 số chủ đất thu gom rất nhiều sau đó phân lô nền trái phép bán cho người dân. Trong đó một đầu nậu có tiếng tên L. và vợ là bà H. đứng tên hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đây.
Ghi nhận thực tế của PV, tại dự án “trá hình” trên có khoảng 70 - 80 căn nhà, nhà xưởng mọc lên. Hầu như tất cả đều không có giấy phép xây dựng.
Phân lô, xây dựng không phép dưới danh đồng sở hữu
Do đất nông nghiệp không thể tách thửa (khoảng 70 - 80m2/thửa) để bán cho người dân có nhu cầu. Các đầu nậu đã tách thửa đất nông nghiệp từ thửa lớn thành các thửa nhỏ (trên 500m2 đối với đất trồng cây lâu năm) để bán cho nhiều người dưới hình thức đồng sở hữu.
Từ chiêu thức “xẻ thịt” đất nông nghiệp bằng hình thức đồng sở hữu, nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nhà, đất đã được thực hiện như: Tự ý tách thửa không đủ điều kiện, xây dựng nhà không phép.
Theo tìm hiểu của PV, các đầu nậu đất tiến hành mua gom đất nông nghiệp rồi chuyển thành đất trồng cây lâu năm (vẫn là đất nông nghiệp - PV) sau đó tự thỏa thuận phân lô nền bán với người có nhu cầu mua với diện tích từ 80 - 100m2 dưới hình thức đồng sở hữu. Thường thì các thửa đất đứng tên đồng sở hữu có diện tích dao động từ trên 500m2 đến hơn 1.000m2. Các thửa đất này sẽ đứng tên từ 5 - 10 người, thậm chí có thửa diện tích hơn 1.200m2 đứng tên đến 14 người sở hữu. Cá biệt còn có thửa đất chỉ rộng hơn 1.200m2 mà có tới 24 người đồng sở hữu…
Một đầu nậu có tiếng tên H. (phụ nữ) tại địa bàn xã Vĩnh Lộc B còn thực hiện hành vi phân lô trái phép một cách hết sức tinh vi. Cụ thể, trên phần đất nông nghiệp đã được H. làm đường kết nối trái phép với hạ tầng của dự án sẵn, H. thuê công ty đo vẽ để vẽ bản đồ hiện trạng với thửa đất đã được phân thành nhiều lô, có diện tích từ 40 - 80m2. Bản đồ được đóng dấu đỏ của công ty đo vẽ y như thật.
Nhiều người dân thấy đất rẻ đã bỏ tử 200 - 300 triệu đồng để mua một lô khoảng 40m2 đất nông nghiệp và tiến hành xây dựng nhà không phép để ở. Sau khi giao dịch, những người dân này được đứng tên chung trên một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bằng hình thức hết sức tinh vi trên, bà H. đã giao dịch “trót lọt” cho hàng chục người dân. Hậu quả, người dân mua đất nông nghiệp và tự ý xây dựng nhà không phép. Một số đã bị chính quyền xã Vĩnh Lộc B ban hành quyết định cưỡng chế vì xây dựng trái phép trên đất không được phép xây dựng. Một số chỉ đủ tiền mua đất, đến khi có tiền xây nhà thì mới phát hiện đất mua là đất không được phép xây dựng.
Ngày 28/7/2017, PV đã đến trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B để liên hệ với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng xây dựng đô thị, song 2 vị lãnh đạo này đều bận họp, không có mặt tại trụ sở.
Theo Báo Thanh Tra