Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đã bày tỏ như trên trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào chiều ngày 25/7 về nội dung “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Cầu Phú Mỹ chưa phát huy hết hiệu quả một phần là do tuyến đường Vành đai 2 chưa được kết nối hoàn chỉnh.
Lý do là không có và không đủ tiền
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thực tế cho thấy một số quy hoạch giao thông đã bị chậm tiến độ và nếu “không giải đáp đúng vấn đề này thì những quy hoạch sắp tới lại chậm nữa”.
Ngay sau đó ông nhận định rằng câu trả lời chính là “không có tiền và không đủ tiền”.
“Sắp tới phải có một quan điểm khác, ngân sách là rất quan trọng nhưng có lẽ về tỷ trọng phải xác định lại rằng xã hội hóa mạnh hơn. Phải có định hướng này, nếu không thì không thể làm được” – ông nói.
Sau đó ông nêu ra một loạt các dự án giao thông kết nối trọng điểm như: Các tuyến đường vành đai 1, 2, 3; dự án phát triển giao thông công cộng vùng và trung tâm; dự án tăng cường hệ thống giao thông thủy kết nối quốc tế và Đồng bằng sông Cửu Long; dự án phát triển tuyến đường sắt cao tốc liên kết vùng… và nhận định rằng những công trình này đều trông chờ vào ngân sách và vốn vay ODA.
“Những cụm lớn này chúng tôi nghĩ đến năm 2020 cũng không triển khai được mấy đâu” – ông tỏ ý hoài nghi và nhấn mạnh rằng cần “thay đổi cơ cấu đầu tư, thay đổi quan niệm và cơ chế đầu tư”.
Chính vì vậy ông Nhân đề nghị xác định nguyên tắc triển khai về kinh phí sẽ bao gồm của trung ương, địa phương và doanh nghiệp.
“Nếu không có, nguy cơ dự án quy hoạch tổng thể rất tốt, riêng phần quan trọng là chương trình chiến lược kết cấu hạ tầng lại không khả thi” – ông cho hay.
Lấy tuyến đường Vành đai 3 là ví dụ, Bí thư Nhân khẳng định đây là tuyến đường rất cần thiết, nhưng nếu “soi lại” thì thấy rằng “nhiệm kỳ này cũng không có kinh phí để triển khai nếu cơ chế là chờ ngân sách”.
Theo ông, Vành đai 3 không chỉ chạy qua TP.HCM mà còn “dính” vào nhiều tỉnh khác, vì vậy các nơi đều phải có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng con đường này.
“Nên chăng Trung ương xác định tổng kinh phí trong nhiệm kỳ này có thể dành cho công trình là bao nhiêu, phần còn lại theo nguyên tắc chạy qua tỉnh nào tỉnh đó làm. Mà tất cả phải cùng làm một lúc thì đến 2020 – 2021 may ra mới kết nối, còn không là không thể, mà nó hở cũng không chạy được” – ông đề xuất.
“Vành đai 4 chắc còn lâu lắm, vành đai 2 TP tự lo, riêng vành đai 3 phải có một công thức như thế, nếu không sẽ không biết đến bao giờ mới chạy, vì đã 15 năm nay không đủ vốn để làm” – ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Quy hoạch còn nhiều thiếu sót
Nhận định về bản điều chỉnh quy hoạch này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng “cách tiếp cận còn thiếu năng động và chưa theo kịp những thay đổi trong quá trình phát triển”, đặc biệt là ứng phó với thách thức tập trung dân cư.
“Càng đầu tư thì người dân càng kéo về nhiều để tìm kiếm việc làm, nâng cao mức sống và như vậy lại phải đầu tư nhiều hơn. Nếu chúng ta không giải được bài toán này sẽ tạo ra sự chênh lệch phát triển ngay trong nội bộ vùng” – ông cho hay.
Ngoài ra ông còn cho rằng quy hoạch chưa nhấn mạnh được việc phát triển vùng trung tâm và vai trò các vùng trong khu vực, chưa nhấn mạnh đến chiến lược giao thông của vùng, thiếu cả cơ chế liên kết và cơ chế quản trị, trong khi đây là những vùng phải “vừa hỗ trợ, hợp tác và gánh vác trách nhiệm của nhau”.
Tuy nhiên theo ông, đây là quy hoạch cho một vùng rất lớn nên không thể quá chi tiết bởi sẽ gây ra khó khăn khi điều chỉnh, vì thế “có vấn đề phải định hướng nhưng có vấn đề phải nhấn mạnh”.
Đề cập đến vai trò của TP.HCM, Phó thủ tướng yêu cầu phải làm nổi bật hơn nữa vì đây là nơi có vị trí chiến lược không chỉ của cả nước mà còn với khu vực. Ông nhấn mạnh, TP cần phát triển, khai phá tiềm năng của các khu vực cửa ngõ quan trọng như cảng biển, hàng không để kết nối khu vực với quốc tế.
Theo Infornet