BĐS nghỉ dưỡng: “Nóng” nguồn cung, nhà đầu tư vẫn “lạnh” xuống tiền

Thứ ba, 09/05/2017, 15:28 GMT+7

Một năm trở lại đây, thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng được đánh giá là bùng nổ nguồn cung cùng những dự báo lạc quan. Tuy nhiên, khách hàng - nhà đầu tư vẫn còn khá dè dặt khi quyết định “xuống tiền”.

Dồi dào nguồn cung
Thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam cho thấy, ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng mới đang ồ ạt xuất hiện. Phía Bắc có Mon Bay (Quảng Ninh) và sắp tới có thêm một lượng hàng lớn của MB Land và Eurowindow... Miền Trung và miền Nam phải kể đến các dự án như: Furama Condotel Đà Nẵng, Coco Ocean-Spa Resort (Đà Nẵng), Ariyana Smart Condotel, Smart Condotel (Nha Trang), Premier Village Phu Quoc Resort, Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay (Phú Quốc), FLC Quy Nhơn…

Trong đó, tại bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), đến cuối năm 2016, với số vốn đăng ký đến hơn 6.000 tỷ đồng, gần 40 dự án đã được triển khai với những tên tuổi lớn trong ngành BĐS du lịch như Vingroup, Hưng Thịnh Corp, Đỉnh Vàng, Eurowindow…

Phan Thiết (Bình Thuận) cũng có nhiều dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ như Ocean Dunes; dự án Aloha Beach Village, Queen Pearl Mũi Né…

bds-nghi-duong-nong-nguon-cung-nha-dau-tu-van-lanh-xuong-tien
Vướng mắc quyền sở hữu, nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng kém hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Việt Tâm

Nguồn cung dồi dào, những dự báo khả quan về ngành du lịch cùng sự gia tăng lượng gia đình giàu có cho thấy tiềm năng tăng giá trị gia tăng khi đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng giao dịch thành công lại khá thấp và người mua vẫn còn tâm lý lo ngại khi xuống tiền.

Nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc
Theo giới thiệu của một công ty môi giới BĐS, chị Trần Minh Thủy (43 tuổi, nhà tại đường Mai Anh Tuấn, quận Ba Đình, Hà Nội) đã vào tận Nha Trang để tìm cơ hội đầu tư BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, chị đã ra về tay không do không an tâm về "quyền sở hữu" sản phẩm tại dự án này. Thay vì được "sở hữu vĩnh viễn" (sổ đỏ hay sổ hồng) như chị mong muốn, dự án chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu “đất thuê có thời hạn 50 năm".

Chị Thủy chia sẻ: "Dù mua BĐS nghỉ dưỡng nhằm mục đích để đầu tư, sinh lời, nhưng về tâm lý, phần lớn các nhà đầu tư như chúng tôi vẫn coi đó là một căn nhà thứ hai, một tài sản có thể mua bán hoặc để lại cho con cháu. Do đó, việc sở hữu lâu dài hay "có thời hạn" khiến chúng tôi phải cân nhắc”.

Luật sư Vũ Hà, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, hình thức condotel (căn hộ khách sạn) chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng không còn là vấn đề nằm ở việc dự báo mà cần giải quyết vấn đề nảy sinh khi pháp luật và thực tế chưa điều tiết. Theo quy định của pháp luật về đất đai, khu du lịch nghỉ dưỡng chỉ được cho thuê đất và không được phân lô bán nền bán như đất ở, do đây là đất thương mại dịch vụ. Tức là, nhà đầu tư sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài vướng mắc về quyền sở hữu, luật sư Hà cũng cho rằng, những tiện ích của dự án và phần cam kết, chia sẻ lợi nhuận với chủ đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "nóng" nguồn cung nhưng nhà đầu tư vẫn "lạnh" xuống tiền. Thực tế, khi quảng cáo dự án, nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những cam kết lợi nhuận rất hấp dẫn (từ 8-12%/năm), nhưng điều khoản này lại không được nêu rõ trong hợp đồng. Do đó, nếu sau này, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì nhà đầu tư sẽ là người phải chịu thiệt thòi.

Luật sư Vũ Hà nhận định: “BĐS nghỉ dưỡng có điểm khác biệt là sau khi bán xong sản phẩm của dự án, vai trò của chủ đầu tư chỉ là một bên thuê lại để khai thác. Trong khi đó, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác khách du lịch của đơn vị quản lý khai thác dự án. Do vậy, nhà đầu tư lúc này sẽ cầm đằng lưỡi, nên họ rất ngại rủi ro. Chính vì thế, dù dự án có giá trị gia tăng nhưng nếu đơn vị quản lý thiếu chuyên nghiệp thì nhà đầu tư cũng sẽ ngại xuống tiền”.

Trong công văn trả lời Hiệp hội BĐS Việt Nam liên quan đến loại hình BĐS condotel ven biển mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng, pháp luật đất đai cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với loại hình BĐS này cũng như việc phân loại và cơ chế sử dụng đất hỗn hợp (vừa là đất thương mại dịch vụ, vừa sử dụng làm đất ở).

Theo Kinh tế & Đô thị Online