Bắc Kạn: Hàng trăm hộ dân vùng Dự án xây dựng hồ Nặm Cắt lại bất an khi mùa mưa lũ về

Thứ hai, 13/05/2019, 22:52 GMT+7

Hai năm trôi qua kể từ khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, cuộc sống của hàng trăm hộ dân vùng Dự án xây dựng hồ Nặm Cắt tại TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn vẫn bất an mỗi khi mùa mưa lũ về.


Cuộc sống tạm bợ, bất an của hàng trăm hộ dân vùng lòng hồ Nặm Cắt.

Vào tháng 4/2017, Báo điện tử Xây dựng đã có một loạt bài phản ánh về việc Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt, tỉnh Bắc Kạn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư trên địa bàn TP Bắc Kạn phê duyệt tại Quyết định số 2926/QĐ-BNN-XD ngày 15/10/2009 với tổng mức đầu tư gần 475 tỷ đồng giao cho Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 2 làm chủ đầu tư để xây dựng công trình; địa phương được giao xây dựng đường quản lý, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dân tái định cư.

Đến hết năm 2016, địa phương này đã thực hiện giải ngân được 202.727 triệu đồng bằng 100% vốn cấp. Mặc dù đã tiêu gần hết số vốn đầu tư, nhưng trên thực tế công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB và tái định cư thực hiện dự án lại không được là bao.

Dự án triển khai với tiến độ “rùa bò” nên gần 6 năm qua, người dân các thôn thuộc diện phải di dời vùng hồ Nặm Cắt không yên tâm sinh sống, làm ăn tại nơi đang ở mà luôn sống trong cảnh thấp thỏm chờ đợi đến nơi ở mới.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong thi công dự án khiến hàng trăm hộ dân tại xã Dương Quang, TP Bắc Kạn tiếp tục rơi vào tình cảnh ngày càng nguy cấp hơn bởi ở lại thì nguy cơ bị cô lập do ngập nước, ra khu tái định cư thì nguy cơ sạt lở… khi nơi này xây dựng hồ chứa nước Nặm Cắt.

Ngày 18/4/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3874/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc kiểm tra thông tin Báo điện tử Xây dựng phản ánh việc chậm trễ thực hiện Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt tại tỉnh Bắc Kạn.

Cụ thể nội dung văn bản nêu: Thông tin của Báo điện tử Xây dựng ngày 11/4/2017 về việc chậm chễ thực hiện Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt ở tỉnh Bắc Kạn làm cho gần 100 hộ dân ở thôn Bản Pẻn (xã Dương Quang, TP Bắc Kạn) có nguy cơ bị cô lập giữa hồ và ngập nước trong mùa mưa năm nay, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2017.

Ngày 26/4/2017, Bộ NN&PTNT có Văn bản số 3501/BNN-XD báo cáo Chính phủ. Tại Văn bản này, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị với Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án và bố trí vốn còn thiếu của hợp phần đền bù và GPMB (317 tỷ đồng) để dự án hoàn thành và phát huy hiệu quả vốn đầu tư.


Bộ NN&PTNT có Văn bản số 3501/BNN-XD báo cáo Chính phủ.

Hai năm đã trôi qua, sự việc đều mới dừng lạ ở các báo cáo và kiến nghị. Giải pháp về vốn chưa có, dự án chưa hẹn ngày tái khởi động bởi đến thời điểm này nguồn vốn thiếu cho hợp phần GPMB, tái định cư chưa biết bao giờ mới được phân bổ về địa phương.

Theo đó, cứ mỗi khi mùa mưa chuẩn bị về nguy cơ hơn trăm hộ dân bị cô lập giữa hồ và ngập nước trong mùa mưa là rất rõ rệt.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Duy Diệp - Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Kạn cho biết: “Nguồn vốn còn thiếu của Hợp phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt vẫn đang phải chờ Bộ NN&PTNT thẩm định điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình Quốc hội phê duyệt. Thiếu vốn nên dự án đang phải tạm dừng, các hộ dân thuộc khu vực dự án đều là những hộ nằm trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng thiên tai, mưa bão.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND TP Bắc Kạn chỉ đạo chính quyền xã vận động các hộ dân đã được cắm đất nhanh chóng làm nhà, hoặc lán trại tại khu tái định cư; các hộ chưa được giao đất cũng cần chủ động di dời tạm thời để tránh nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão. Đối với các hộ dân tại khu tái định cư Khuổi Kén, khi cần thiết có thể di dời, chủ động phòng tránh nguy cơ sạt lở tại những vị trí taluy cao, sát sườn đồi”.


Hàng ngày người dân thôn Bản Pẻn vẫn phải đi qua những chiếc cầu tre tạm bợ.

Thực địa, phải đi qua 2 cây cầu tre tạm bợ bắc qua sông chúng tôi mới vào được đến thôn Bản Pẻn, nơi sinh sống của các hộ dân thuộc diện di dời khu vực lòng hồ. Cây cầu tre nhỏ hẹp, chiều ngang chỉ rộng chừng 1m, hàng ngày vẫn oằn mình gồng gánh biết bao lượt người, xe máy, xe đạp qua lại. Các hộ dân thôn Bản Pẻn người thì sinh sống, người thì canh tác bên này sông nên đã quá quen với việc đi lại theo cách khó khăn, mất an toàn như vậy. Thế nhưng, cứ vào mùa mưa, cả hai cây cầu đều bị nước cuốn trôi, dân trong thôn lại hô hào nhau sửa chữa, vá víu lại.

Anh Nguyễn Đức Linh (người dân thôn Bản Pẻn) chia sẻ: “Đường xá đi lại rất vất vả, nhất là trong mùa mưa lũ. Mưa lớn cầu bị trôi mất, không ra ngoài được cũng không vào thôn được, thành ra như bị cô lập. Khổ nhất là trẻ con, cầu trôi thì đều phải nghỉ học. Từ đầu năm đến giờ mưa lớn khiến cả hai cây cầu đều bị trôi, hư hỏng mất vài lần rồi”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lẹng bộc bạch: Gia đình tôi vẫn chưa nhận được tiền đền bù GPMB, chưa được cắm đất tái định cư trong khi các hộ khác đã ra khu tái định cư từ 2 – 3 năm nay. Ở vùng lòng hồ này đi lại khó khăn lắm, đường thì lở đất, mỗi khi mưa lũ lại trôi cầu nên thậm chí có lúc vào ban đêm cũng phải mang xe sang bên kia sông gửi để sáng hôm sau còn đi làm.

Trưởng thôn Bản Pẻn Ma Hoàng Định cho biết: Việc thực hiện chậm dự án dẫn đến người dân gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, như không thể sửa chữa chuồng trại để nuôi gà, lợn, không trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như ổi, cam… nhà cửa không dám đầu tư sửa chữa vì là vùng quy hoạch dự án, đi lại thì phải qua sông, bắc cầu tạm, mùa lũ về lại trôi mất cầu, các cháu đi học rất khó khăn.

Như vậy, có thể thấy an toàn của hàng trăm hộ dân vùng dự án xây dựng hồ Nặm Cắt TP Bắc Kạn trong mùa mưa bão năm nay vẫn đang ở mức báo động. Một lần nữa, Báo điện tử Xây dựng đề nghị tỉnh Bắc Kạn, Bộ NN&PTNT cần sớm trình Chính phủ giải pháp phù hợp, đảm bảo cuộc sống an bình cho người dân tại đây.


Thái Nguyên Nhân/baoxaydung.com.vn