71 chung cư ở Hà Nội có xảy ra tranh chấp

Thứ tư, 10/10/2018, 21:33 GMT+7
Các vụ tranh chấp này chủ yếu liên quan đến vấn đề diện tích sử dụng, bàn giao quỹ bảo trì 2%, tranh chấp xây dựng, chuyển hóa tầng sinh hoạt chung thành căn hộ, chưa tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công, kết nối hạ tầng...

Các vụ tranh chấp này chủ yếu liên quan đến vấn đề diện tích sử dụng, bàn giao quỹ bảo trì 2%, tranh chấp xây dựng, chuyển hóa tầng sinh hoạt chung thành căn hộ, chưa tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công, kết nối hạ tầng...


Thời gian qua, báo chí liên tục đăng tải thông tin về các vụ tranh chấp ở chung cư.

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 840 nhà chung cư đi vào vận hành. Tuy nhiên còn nhiều tồn tại nổi lên như việc tranh chấp diện tích sử dụng, bàn giao quỹ bảo trì 2%, tranh chấp xây dựng, chuyển hóa tầng sinh hoạt chung thành căn hộ, chưa tổ chức hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công, kết nối hạ tầng...

Cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cho đến thời điểm này Sở Xây dựng đã thống kê được 71 tòa nhà còn vướng các vấn đề nêu trên.

Trong 71 chung cư nêu có xảy ra tranh chấp, Sở Xây dựng đã kiểm tra 66 nhà chung cư và đến hết tháng 10 kiểm tra các tòa còn lại. Sở Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý, tuy nhiên, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền của các quận, huyện, thị xã nhằm hạn chế sự vi phạm của các chủ đầu tư.

Trước đó, theo báo cáo Bộ Xây dựng được tổng hợp báo cáo từ 43 địa phương và số lượng đơn thư gửi về Bộ Xây dựng cho thấy có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp.

Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, còn lại 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp không thuộc phạm vi báo cáo (tranh chấp, khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác).

Nội dung tranh chấp chủ yếu liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; kinh phí quản lý, vận hành; chất lượng công trình; tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu; hợp đồng mua bán căn hộ; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hay một số tranh chấp khác trong quá trình quản lý sử dụng, vận hành…

Tại Hà Nội, báo cáo nêu rõ các chung cư Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, chung cư 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza…. có tranh chấp do không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.

Chung cư 229 Phố Vọng, Cụm chưng cư N05 Trung Hòa, Hồ Gươm Plaza, Hemisco… có tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng: nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích kinh doanh cho thuê…

Các tranh chấp liên quan đến cách tính diện tích căn hộ: cách tính ban công, logia, diện tích tim tường, thông thủy… như chung cư Helios; dự án Tháp Thủ đô Xanh.

Hay chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình, chưa nghiệm thu hệ thống PCCC đã bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng như chung cư Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương…

Bên cạnh đó nhiều dự án nổi tiếng lùm xùm, tốn nhiều giấy bút của báo chí như tranh chấp ở khu đô thị Tân Tây Đô; suốt 10 năm ngóng chờ vẫn không được bàn giao nhà tại dự án Usilk City hay tranh chấp tại chung cư Hapulico…

Để xử lý các chủ đầu tư làm ăn “bát nháo”, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 2744/UBND-ĐT về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn Thành phố. Theo đó, một loạt các biện pháp đưa ra nhằm xử lý tình trạng gây bức xúc ở nhiều chung cư.

Chẳng hạn như đối với các chung cư thương mại chưa thành lập ban quản trị, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư và các bên có liên quan trong việc thành lập ban quản trị; xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với trường hợp chủ đầu tư chậm triển khai, không thực hiện.

Sở Xây dựng thông báo danh sách thống kê nêu trên đến UBND các quận, huyện có liên quan; Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện triển khai biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư, các trường hợp không có kinh phí bảo trì.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện có liên quan có trách nhiệm: Tổ chức rà soát, chỉ đạo việc thành lập, quản lý đội dân phòng và đội PCCC cơ sở theo quy định; Phối hợp với Cảnh sát PCCC tổ chức tập huấn, thực tập, kiểm tra việc chấp hành quy định về PCCC tại các chung cư cao tầng trên địa bàn; Xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, không đảm bảo điều kiện về PCCC.

UBND TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các chủ sở hữu căn hộ theo quy định; Không đề xuất giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư có tên trong danh sách theo dõi được quy định tại văn bản này...


Theo Nguyễn Khánh/Dantri.com.vn


baoxaydung.com.vn