Ngoài những miệt vườn sai trĩu quả, chợ nổi bán nhiều loại nông sản, miền Tây còn thu hút du khách bởi những biệt thự cổ mang nét kiến trúc pha trộn văn hoá Đông Tây.
Nhà cổ Bình Thủy là điểm đến hút du khách check-in ở Cần Thơ. Nơi đây hấp dẫn các tín đồ du lịch bởi vẻ đẹp cổ kính, trữ tình. Nhà cổ này được xây dựng từ năm 1870 bởi gia đình họ Dương. Ngôi nhà có 5 gian 2 mái. Từ phía ngoài nhìn vào, bạn sẽ nhìn thấy 4 lối cầu thang cánh cung nối từ sân vào nhà chính cùng hệ thống cửa sổ, đảm bảo độ thông thoáng cho ngôi nhà. Hơn 150 năm trôi qua nhưng kiến trúc của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, các cổ vật được bảo tồn cẩn thận. Ảnh: Lê Hà Trúc, huniegram.
Nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê là điểm đến nổi tiếng tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Ngôi nhà cổ là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Đông - Tây, được xây dựng từ năm 1895. Nhà có 3 gian, mang nét văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Gần 2 thế kỷ trôi qua, ngôi nhà vẫn được giữ gìn nguyên vẹn từ hình dáng đến các cổ vật bên trong. HIện, du khách có thể vào tham quan căn nhà với mức vé 20.000 đồng/người. Điều hấp dẫn du khách ghé nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là chuyện tình xuyên biên giới giữa chủ sở hữu ngôi nhà và một nữ nhà văn Pháp. Ảnh: stephanelecuyot.
Căn nhà là tài sản của ông Huỳnh Cẩm Thuận, thương gia giàu có ở Sa Đéc, để lại cho con trai út là ông Huỳnh Thủy Lê. Ông Lê gặp nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, sau đó 2 người về căn nhà ở Sa Đéc chung sống như vợ chồng. Tuy nhiên, gia đình ông Lê đã phản đối mối tình này. Bà Marguerite Duras sau đó trở về Pháp, viết cuốn tiểu thuyết "Người tình" (L'Amnt) về chuyện tình ngang trái. Cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim ăn khách cùng tên năm 1991. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo.
Nhà cổ Cai Cường (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩng Long) nguyên thuộc sở hữu của gia đình ông Phạm Văn Bổn, một đại địa chủ ở địa phương xưa. Công trình được xây dựng năm 1885 theo hình chữ Đinh bao gồm 3 gian nhà, 2 nếp nhà bố trí vuông góc, đầu nhà sau đấu vào giữa nhà trước, mặt chính hướng ra rạch Cái Muối. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo.
Nét độc đáo của ngôi nhà chính là sự pha trộn Đông - Tây trong kiến trúc nội thất và ngoại thất. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo.
Nhà cổ của bá hộ Tể nằm bên con rạch hướng đối diện với nhà cổ Cai Cường. Ngôi nhà ít được biết đến nên lượng du khách tới tham quan, check-in khá thưa. Ghé ngôi nhà cổ trăm tuổi, du khách có cảm giác như lạc vào không gian miền Tây xưa, mang nét cổ kính mà trữ tình. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo.
Một ngôi nhà cổ nổi danh miền Tây du khách không thể bỏ qua là biệt thự của công tử Bạc Liêu (Bạc Liêu). Công trình được xây dựng từ năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế, toát lên vẻ Tây Âu bề thế và sang trọng. Dinh thự sang trọng này gắn liền với giai thoại "đốt tiền nấu chè" của công tử Trịnh Trần Huy xưa. Hiện, dinh thự cổ đã trở thành khách sạn công tử Bạc Liêu với 6 phòng ngủ phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo.