42.131 trường hợp tại Tp.HCM chưa được cấp sổ đỏ

Thứ năm, 19/10/2017, 15:32 GMT+7

Đoàn Đại biểu Quốc hội vừa có buổi làm việc với UBND Tp.HCM và các sở, ban ngành về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ) trên địa bàn.

Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, nhìn chung, nhà, đất được quản lý, sử dụng bởi các cơ quan nhà nước đều đã được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ). Riêng với các cá nhân, hộ gia đình, tính đến nay, theo báo cáo của 17/24 quận, huyện, còn 42.131 trường hợp chưa được cấp sổ đỏ.

Cụ thể: Tp.HCM có hơn 21.000 trường hợp vướng quy hoạch, có tranh chấp, vi phạm quy định của pháp luật về đất đai; gần 15.000 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy viết tay sau ngày 1/7/2004; hơn 6.000 trường hợp không có nhu cầu cấp giấy chứng nhận.

Theo ông Thạch, theo quy định của Nghị định số 01/2017 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật đất đai năm 2013, những trường hợp mua bán nhà bằng giấy viết tay trong thời gian từ sau ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/1/2008 thì được phép cấp GCNQSDĐ. Vì vậy, trong thời gian tới, hơn 9.600 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy viết tay sẽ được Tp.HCM giải quyết việc cấp sổ đỏ.

Ông Thạch cho hay: “Sở TN&MT đang kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục tháo gỡ, cho phép địa phương cấp sổ đỏ cho các trường hợp mua bán bằng giấy tay sau ngày 1/1/2008 đến ngày 1/7/2014 (tức ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực). Nếu được chấp thuận, Tp.HCM sẽ cấp sổ đỏ được cho khoảng 5.000 trường hợp nữa. Tuy nhiên Tổng cục quản lý đất đai đã có công văn phúc đáp không có cơ sở xem xét giải quyết các trường hợp này”.

42-131-truong-hop-tai-tp-hcm-chua-duoc-cap-so-do
Còn 42.131 trường hợp tại Tp.HCM chưa được cấp sổ đỏ

TS Trần Du Lịch cho hay, để bảo đảm quyền lợi của người dân, cần giải quyết việc cấp GCNQSDĐ tại những dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp GCNQSDĐ cho ngân hàng. Thực tế, nhà nước cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai và khi GCNQSDĐ đã được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng, người mua sẽ không thực hiện được quyền này nếu trước đó chủ đầu tư đã thế chấp.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị Tp.HCM tăng cường quản lý đất đai dọc 2 bên bờ sông, cũng như sớm công bố cho người dân về thông tin quy hoạch… Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc, với những trường hợp mua bán giấy tay, tính công bằng giữa các trường hợp không được đảm bảo do người mua có thể ghi lùi ngày giao dịch.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, quyết định thay thế Quyết định 33 về diện tích tối thiểu khi tách thửa đang được Tp.HCM xem xét sửa đổi để đảm bảo quyền lợi của người dân. Tp.HCM cần xem xét khoa học và kiểm soát chặt việc tách thửa. Do tồn tại nhiều vấn đề lạc hậu nên UBND Tp.HCM cũng đang tiến hành nghiên cứu để sửa đổi Quyết định 56 liên quan đến trình tự, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính dựa trên giá thị trường khi nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển từ thuê đất sang giao đất.

Ông Tuyến nói: “UBND Tp.HCM khuyến khích các quận, huyện triển khai nhanh phần mềm công bố quy hoạch để người dân làm căn cứ xin phép xây dựng. Thành phố cũng yêu cầu các sở, ban ngành rà soát những gì pháp luật cho phép, không đợi các quận, huyện làm để giải quyết nhanh hồ sơ thủ tục cho người dân”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM cho biết, một nhu cầu chính đáng của người dân và các tổ chức là được đảm bảo quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Với những trường hợp vi phạm, các sở ban ngành cần làm rõ thực trạng cũng như nguyên nhân để đưa ra giải pháp giải quyết, quản lý phù hợp.

Ông Nhân yêu cầu: “Đối với những dự án đã quy hoạch sau 5 năm không triển khai hoặc triển khai không đáng kể, đề nghị UBND thành phố rà soát, thống kê để có biện pháp thu hồi quy hoạch, cũng như dự kiến trong việc quản lý các dự án này. UBND thành phố cần trao đổi với Sở Giao thông vận tải về đất dành cho giao thông. Những quy hoạch giao thông phải được công bố để kêu gọi đầu tư, cũng như tránh sự lo lắng cho người dân”.

Theo Seatimes