Tại phân kỳ 2 của giai đoạn 1 nhà máy được nâng công suất lên 300.000 m3 một ngày đêm (giai đoạn 1A phát nước từ tháng 10/2018 đạt công suất 150.000 m3 một ngày đêm).
Đây là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc. Nhà máy có tổng diện tích 65 ha, quy hoạch tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung (thứ ba từ trái sang) - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc ( thứ tư từ trái sang) - Chủ tịch VCCI cùng quan khách vận hành nhà máy giai đoạn 1 phân kỳ 2 sáng 5/9. |
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Aquaone - bà Đỗ Thị Kim Liên chia sẻ, nhà máy nước mặt Sông Đuống là dự án hướng tới mục tiêu dân sinh, vì cộng đồng. Để đạt được tiến độ và về đích giai đoạn một sớm 16 tháng, dự án nhận được sự ủng hộ, giao đất của bà con nhân dân khu vực xã Phù Đổng và Trung Mầu; lãnh đạo thành phố Hà Nội tạo mọi điều kiện và sự tâm huyết làm việc hết mình của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cộng sự.
Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ tiếp tục cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người tại Hà Nội và một số khu vực phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên...
Ông Nguyễn Đức Chung - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Hà Nội phát biểu tại sự kiện ngày 5/9. |
Ông Đỗ Văn Định Giám đốc dự án nhà máy mặt nước sông Đuống cho biết công trình đạt các tiêu chuẩn gồm an toàn; kiểm soát chất lượng; tiến độ; ổn định và tiết kiệm nhân lực.
Cụ thể, trong thời gian triển khai phân kỳ 2, nhà máy thực hiện hơn 76.000 ngày công, số giờ được đánh giá thiếu an toàn là 7 giờ. Toàn bộ giai đoạn thi công không phát sinh một sự cố về tai nạn (cháy nổ, thương tật, chết người).
Dự án áp dụng các tiêu chuẩn cao trong kiểm soát chất lượng. Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước châu Âu và G7. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng huy động nhân lực, thiết bị phù hợp với các điều kiện thời tiết khác nhau.
Các quan khách cùng doanh nghiệp nhấn nút khởi công giai đoạn 2 nhà máy hồi tháng 10/2018. |
Từ tháng 10/2018 đến nay nhà máy vận hành ổn định, liên tục cùng 3 hệ thống truyền dẫn. Đội ngũ vận hành gồm 20 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật người Việt. Quy trình tự động hoá hoàn toàn, từ khâu lấy nước thô đến truyền dẫn tại điểm giao nhận nước sạch tới khách hàng theo thời gian thực.
Thời gian tới, nhà máy nước mặt sông Đuống dự kiến mở rộng, nâng công suất đến năm 2023 đạt 600.000 m3 mỗi ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3, sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3.
An An
Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án gồm 2 hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước trên diện tích gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn cấp 1 (đường kính từ 800 đến 1800mm) dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên. Dự án sử dụng nguồn nước thô khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050. Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành. |