3 kịch bản thị trường địa ốc năm 2017

Thứ ba, 20/12/2016, 10:40 GMT+7

Tại Hội thảo Triển vọng thị trường bất động sản năm 2017 – Tác động Chính sách, TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu kinh tế Trung ương đã đưa ra 3 kịch bản nhiều khả năng diễn ra nhất trong năm 2017.

BĐS có khả năng "đi ngang"

Kịch bản thứ nhất: Thị trường bất động sản (BĐS) phấn khích, tốt hơn năm 2016. Đây là kịch bản nhiều người mong muốn nhưng chỉ xảy ra khi kinh tế thế giới không có biến động, khủng hoảng và kinh tế Việt Nam phải đạt đỉnh. Kịch bản này có thể sẽ không xảy ra.

Kịch bản thứ 2: Thị trường đi ngang. Một số phân mảng điều chỉnh giảm, một số tăng. Theo ông Chung, kịch bản này có khả năng xảy ra cao nhất, tuy nhiên cơ cấu của thị trường có sự thay đổi.

Kịch bản thứ 3: Thị trường suy giảm và trầm lắng. Đây là kịch bản ít người mong muốn nhưng vẫn có thể xảy ra, nếu tình hình thế giới xảy ra bất ổn hoặc nền kinh tế trong nước có thể xảy ra bất kỳ trục trặc nào.

Mặc dù đưa ra 3 kịch bản, nhưng TS. Trần Kim Chung cho rằng, với những diễn biến kinh tế và thị trường hiện nay thì kịch bản thứ 2, "thị trường đi ngang" có khả năng diễn ra cao nhất.

3-kich-ban-thi-truong-dia-oc-nam-2017
Thị trường BĐS năm 2017 nhiều khả năng "đi ngang". Ảnh minh họa

FDI vào địa ốc giảm
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, các khoản thu về đất trong năm 2016 tăng 32,6% so với dự toán, trong đó tiền sử dụng đất tăng 28%, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tăng 38,7%.

Về giá BĐS, năm 2016 đã tăng khoảng 5-7%. Giá bán trên thị trường thứ cấp tăng cao hơn, khoảng 10-15%. Song, giao dịch BĐS những tháng cuối năm chững lại.

Báo cáo của Viện Viên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS chậm lại.

Về đầu tư nước ngoài vào BĐS, năm 2016 dòng vốn FDI cũng có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, trong năm 2016, nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS đạt khoảng 1,301 tỷ USD, giảm đến 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, vốn FDI vào BĐS chỉ chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký năm 2016, giảm so với năm 2015 (đạt 11,5%). Nếu tính đến tháng 11/2016, BĐS đã có 3 tháng liên tiếp giảm vốn đăng ký FDI.

Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, thị trường thời gian tới sẽ giảm nhiệt do yếu tố đầu cơ suy giảm. BĐS bị phân hóa, những dự án cục bộ có ưu thế về tài chính vẫn duy trì thanh khoản.

Về tín dụng cho BĐS, sẽ tiếp tục bị thu hẹp, khi ngân hàng không còn nguồn vốn ngắn hạn cho BĐS.

Trong khi đó, nhà thu nhập thấp, nhà xã hội, sẽ là tâm điểm của thị trường. Song, phân khúc này cần có sự hỗ trợ chính sách của chính phủ.

Với một số tín hiệu khó khăn hiện nay, ông Chung nhận định, do thị trường khó khăn, năm 2017 sẽ khó có những dự án có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, 7.000 tỷ đồng hay 10.000 tỷ đồng khởi công dồn dập như năm 2016.

Theo Bizlive