Quá trình bảo dưỡng hai đường băng 25R/07L tại Tân Sơn Nhất và 1B tại Nội Bài dự kiến kéo dài trong 4 tháng.
Trong báo cáo nhận định về Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết doanh nghiệp vận hành 23 sân bay trong nước đang có kế hoạch bảo dưỡng đường băng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài trong mùa mưa. Hai đường băng nằm trong diện sửa chữa đang xuất hiện nhiều vết nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay do hoạt động hơn công suất thiết kế.
Đường băng sân bay Nội Bài. Ảnh: Đoàn Loan
"Quá trình bảo dưỡng dự kiến kéo dài 4 tháng và ước tính tiêu tốn khoảng 4.200 tỷ đồng. Việc cải tạo nhằm đảm bảo an toàn bay tránh tình trạng đóng cửa bất ngờ", báo cáo của HSC viết.
Việc bảo dưỡng dự kiến tác động không nhỏ đến tăng trưởng doanh thu năm nay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp này đang xem xét kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 7-8%, không bao gồm ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá.Trước đó vào giữa tháng 9/2018, trong văn bản gửi Bộ Tài chính về bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh việc sửa chữa hai sân này là rất cần thiết và vô cùng cấp bách.
Trong khi đó, HSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lần lượt tăng 9% và 12,5%, lên mức 17.542 tỷ đồng 6.996 tỷ đồng. Đóng góp của tài sản khu bay (đường băng, đường lăn, thiết bị chiếu sáng, thiết bị định vị...) không được tính vào dự báo này do đang trong quá trình đàm phán với Bộ Giao thông vận tải.
Nếu quá trình hoàn tất đàm phán, công ty sẽ đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM. Việc này dự kiến được thực hiện trong giai đoạn cuối năm, từ đó mở ra cơ hội để cổ phiếu ACV được thêm vào rổ VN30, các chỉ số ETF và giao dịch ký quỹ sau 6 tháng niêm yết.
Ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu hiện tại là 97.500 đồng. Động lực tích cực cho trung hạn gồm triển vọng tăng trưởng cơ bản nhờ mở rộng dần hoạt động kinh doanh và kế hoạch nâng gấp đôi công suất sân bay. Tuy nhiên, rủi ro dài hạn cũng sẽ xuất hiện bởi tác động pha loãng khi công ty đối mặt với nhu cầu vốn lớn để phát triển dự án.
Đường cất hạ cánh 25R/07L của sân bay Tân Sơn Nhất được sửa chữa và đưa vào sử dụng giữa năm 2013, đảm bảo khai thác tàu bay B777-300 ER hoặc tương đương với công suất hoạt động 55.100 lần cất hạ cánh trong 10 năm. Tuy nhiên, đến tháng 4/2018 có 126.000 lần cất, hạ cánh.
Tương tự, đường cất hạ cánh 1B của sân bay Nội Bài đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt cất hạ cánh trong 20 năm. Tổng số lần cất hạ cánh trên đường băng này đến hết tháng 4/2018 lên đến 284.200.