Hà Nội: 8 tháng đầu năm có gần 300 công trình xây dựng không phép

Thứ ba, 25/09/2018, 00:00 GMT+7
Trong 8 tháng đầu năm, Thành phố Hà Nội đã phát hiện 287 trường hợp xây dựng không phép, trong khi đó thành phố cũng lập hồ sơ vi phạm với 824 trường hợp khác.

Trong 8 tháng đầu năm, Thành phố Hà Nội đã phát hiện 287 trường hợp xây dựng không phép, trong khi đó thành phố cũng lập hồ sơ vi phạm với 824 trường hợp khác.
 


Xử phạt hàng loạt công trình

Báo cáo về kết quả 1 năm thực hiện Kế hoạch 125/KH-UBND khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố 8 tháng đầu năm nay tại Hội nghị giao ban trực tuyến Quý 3/2018 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã diễn ra ngày 24.9, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - Lê Văn Dục cho biết việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhất là các vi phạm tồn đọng đã có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, năm 2017, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra tất cả các công trình xây dựng phát sinh (17.422 công trình) và phát hiện 1.916 công trình có vi phạm, chiếm tỷ lệ 11% (giảm 2% so với cùng kỳ). UBND cấp xã, cấp huyện đã giải quyết vi phạm 1.517 công trình; ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 12,2 tỉ đồng.

Về kết quả xử lý 132 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ nhiều năm, đến tháng 4 vừa qua đã xử lý được 12 trường hợp; chấp thuận hợp khối kiến trúc mặt đứng với các công trình liền hề hoặc cấp phép có điều kiện, đảm bảo không gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị đối với 88 trường hợp và tiếp tục xử lý, thu hồi phục vụ mục đích công cộng đối với 32 trường hợp không đủ điều kiện.

Đối với 552 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông từ năm 2013 đến nay, toàn TP đã giải quyết được 493 công trình, đạt tỷ lệ gần 90%. Đang tiếp tục xử lý đối với 59 trường hợp và dự kiến xong trong năm 2018.

Trong khi đó, trong 8 tháng đầu năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 100% các công trình xây dựng (15.299 công trình) và lập hồ sơ vi phạm 824 trường hợp (tương ứng tỷ lệ 5,39% trên tổng số công trình) giảm 867 trường hợp (51,27%) so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, số công trình xây dựng không phép phát hiện 287 trường hợp (giảm 55,57%) và xây dựng trên đất nông nghiệp là 308 trường hợp (giảm 55,81%)...

Xử lý dứt điểm vi phạm

Liên quan đến vấn đề quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng, lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, huyện đã nhận thức rất rõ về quy hoạch để bảo đảm việc quản lý, đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng. Theo đó, huyện đã chủ động lập quy hoạch 23 trung tâm xã với 155 điểm dân cư nông thôn. Trong số 155 điểm dân cư nông thôn, có 14 điểm đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và 46 điểm gắn với các dự án đầu tư của TP.

Còn đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, huyện đã yêu cầu các xã, phòng, ban, đơn vị thực hiện nghiêm túc và gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, còn tổ chức lại các tổ thanh tra xây dựng để thực hiện kiểm tra, báo cáo các vụ việc phát sinh hằng ngày trực tiếp về huyện. Đồng thời, bố trí quay flycam các điểm vi phạm để lập hồ sơ và lên kế hoạch xử lý dứt điểm các điểm vi phạm.

Còn theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, để xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, UBND huyện sẽ tổ chức các cuộc họp giao ban với các xã và chỉ đạo đội quản lý trật tự xây dựng cùng các phòng ban trực tiếp kiểm tra hiện trạng, ghi hình các trường hợp vi phạm để phát lại tại các buổi kiểm điểm tiến độ xử lý vi phạm.

Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Để tồn đọng 3 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng sẽ phải báo cáo Ban thường vụ Huyện ủy xem xét trách nhiệm và nếu cố tình chậm xử lý, UBND huyện sẽ báo cáo Ban thường vụ Huyện ủy tạm đình chỉ điều hành chung của chủ tịch xã. Ngoài ra, còn duy trì đường dây nóng để thu thập thông tin của Nhân dân để kịp thời xử lý trường hợp vi phạm.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, với quyết tâm xử lý nghiêm sai phạm, không để phát sinh sai phạm mới trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng, quận đã công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận tin báo của nhân dân để kịp thời xử lý sai phạm. Công tác kiểm tra sau cấp phép được thực hiện thường xuyên.

Tuy nhiên, Nam Từ Liêm đang trong giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ nên mật độ xây dựng lớn. Trung bình mỗi năm, quận cấp khoảng 2.000 giấy phép xây dựng, dẫn tới vẫn còn tồn tại một số vi phạm về vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng trên địa bàn. Nêu tình trạng quy hoạch của một số tuyến đường và khu dân cư trên địa bàn quận đang thực hiện dang dở, chưa được triển khai cắm mốc, quận Nam Từ Liêm đề xuất thành phố sớm giải quyết, tạo điều kiện cho quận thực hiện tốt hơn những quy định về quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.

Đại diện huyện Thanh Trì, quận Hà Đông và huyện Sóc Sơn cũng nêu một số thuận lợi, khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng. Nếu như huyện Thanh Trì gặp khó khăn trong việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp tồn đọng từ nhiều năm trước thì quận Hà Đông cũng đang đứng trước áp lực rất lớn nhằm quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng hiệu quả vì mỗi năm cấp hơn 3.000 giấy phép xây dựng các loại.

"Phải phát hiện sớm các vi phạm để xử lý kịp thời ngay từ những viên gạch đầu tiên và không để thành sự đã rồi thì xử lý rất khó khăn, thậm chí để lại gánh nặng cho nhiệm kỳ sau. Muốn làm được như vậy thì đòi hỏi các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, cấp xã phường phải sâu sát và vào cuộc quyết liệt để nắm tình hình" - Bí thư Thành ủy TP Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế Giới

 


diaoconline.vn